Siết tín dụng cho chứng khoán, bất động sản  

Tín dụng  được "nắn" theo chính sách hỗ trợ sản xuất hơn là những lĩnh vực biên độ lợi nhuận lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro 
Tín dụng  được "nắn" theo chính sách hỗ trợ sản xuất hơn là những lĩnh vực biên độ lợi nhuận lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro 
TP - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục siết tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Tại Thông tư số 22 mới ban hành, NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020. Đáng chú ý, thông tư này quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn lần lượt như sau: Từ 1/1/2020 đến 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và từ 1/10/2022 là 30%.

“Lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 30% trải dài trong 3 năm là dài hơn so với kỳ vọng ban đầu của thị trường (1-2 năm). Việc kéo giãn thời gian dài hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài tại các ngân hàng nhỏ vốn thường gặp khó khăn về thanh khoản”, nhóm phân  tích Công ty Chứng khoán BVSC nhận định.   

Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN cũng tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Đối với các khoản phải đòi khác có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%), sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó nâng lên 150% từ ngày 1/1/2021.

 “Thông tư  này cho thấy định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống, chứ không vì xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế mà phát triển tín dụng ồ ạt cho tất cả các lĩnh vực”, Nhóm phân tích BVSC nhận xét.

Nới cho sản xuất

Dù siết với các lĩnh  vực tiềm ẩn rủi ro, nhưng nhà  điều hành vẫn phát đi thông điệp sẵn sàng hỗ trợ nới lãi suất vay cho doanh nghiệp. Cụ thể, NHNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11/ 2019.  Theo đó, yêu cầu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cùng đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Báo cáo tại Quốc hội mới đây, NHNN cho biết,  tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.           

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.