Mở đầu phần thư ngỏ, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, Luật Giao thông đường bộ quy định, hiện nước ta đang có 5 loại hình vận tải (xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi - PV), trên thực tế đã chứng minh do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Đồng thời các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, bảo kê cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông.
Mặt khác, quản lý vận tải bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử... Do vậy, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị: Nghị định 86 sửa đổi cần quy định việc ứng dụng nghệ phải được áp dụng đầy đủ cho cả 5 loại hình vận tải. “Quy định chuẩn về dữ liệu thông tin bắt buộc cũng như việc truyền dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm chống tình trạng xe dù, bến cóc, vi phạm luật giao thông, gây mất an toàn giao thông và chống được thất thu thuế”, ông Nguyễn Công Hùng nêu trong văn bản.
Với taxi công nghệ đang có nhiều ý kiến trái chiều hiện nay, ông Hùng cho rằng, cần xác định đúng loại hình để biện pháp quản lý đối, tránh gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải nói chung. Đánh giá về taxi công nghệ thời gian qua, ông Hùng thẳng thắn nhìn nhận, từ khi có xe Grab và Uber đã khiến cho các doanh nghiệp taxi Việt có những thay đổi mạnh mẽ. Đơn cử, các hãng taxi Việt hiện nay đều có ứng dụng (App) gọi xe công nghệ, thậm chí sáp nhập để tạo nên tổ chức lớn với hàng ngàn phương tiện nhằm giảm chi phí quản lý, nhân lực, giảm giá cước.
Công nghệ Việt nhiều ưu điểm nhưng bị “trói chặt”
Tuy nhiên đề cập đến những phần mềm gọi xe do Việt Nam tự sản xuất không thể cạnh tranh được với phần mềm gọi xe nước ngoài, ông Hùng cho rằng, do không được hưởng các điều kiện thuận lợi về điều kiện kinh doanh như Grab, Uber nên các phần mềm của doanh nghiệp taxi Việt đã không phát huy được hiệu quả. Dẫn chứng cho việc này, ông Hùng cho biết, hiện các hãng taxi Việt đang tuân thủ tới 17 điều kiện ràng buộc của pháp luật, trong khi taxi công nghệ 1, 2 điều kiện, trong đó có việc gia tăng phương tiện không bị kiểm soát, điều chỉnh giá cước tự do, xe chạy trên đường không phải tuân thủ biển báo cấm đối với xe kinh doanh…
Chính vì chịu những điều kiện không đồng nhất như vậy, trong thời gian qua các Doanh nghiệp, các Hiệp hội taxi trên toàn quốc đã có nhiều phản ứng, gửi văn bản kiến nghị đi đến rất nhiều cơ quan nhà nước trong đó có Bộ GTVT.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc giải quyết những vấn đề bất hợp lý nêu trên là vô cùng cần thiết, một mặt tạo được sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải, một mặt tạo lập được trật tự kỷ cương và văn minh trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
“Do đó, kính đề nghị Thủ tướng và Chính phủ quan tâm xem xét kỹ lưỡng; trước mắt cần điều chỉnh những quy định về quản lý vận tải trong Nghị định thay thế Nghị định 86 cho phù hợp, theo kịp với xu thế công nghệ mới, đảm bảo bình đẳng, an sinh xã hội”, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhấn mạnh.