Những khoảng tối mập mờ, khó quản của thị trường xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia cho rằng, cần siết và quản lý chặt việc cấp phép kinh doanh xăng dầu Ảnh: Như Ý
Các chuyên gia cho rằng, cần siết và quản lý chặt việc cấp phép kinh doanh xăng dầu Ảnh: Như Ý
TP - Kinh doanh xăng dầu có nhiều hoạt động nằm trong “khoảng tối” và nếu trót lọt, sẽ đem lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN). 

Phần nổi của tảng băng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện tại có khoảng 40 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, khoảng 500 DN phân phối và 16.000 cửa hàng bán lẻ. Số lượng DN đầu mối được cấp phép trong 2 năm qua tăng rất mạnh. Nếu tháng 8/2019 mới có 32 DN đầu mối thì đến tháng 3/2021 đã lên tới 40 đầu mối.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia trong ngành Công thương cho hay, có nhiều hình thức, chiêu trò thu lời phía sau việc DN được cấp phép tham gia kinh doanh xăng dầu; đơn cử như: Lợi dụng giấy phép kinh doanh, cho DN, đại lý chưa đủ điều kiện thuê kho, bồn chứa; Ký hợp đồng mua bán xăng dầu số lượng lớn để vay vốn ngân hàng rồi tận dụng thời gian trả chậm để quay vòng vốn… Còn với những DN kinh doanh xăng dầu làm xăng giả, buôn lậu, thì lãi lên tới cả ngàn tỷ đồng/năm.

Tổng giám đốc một DN xăng dầu đầu mối cho hay, bên cạnh làm xăng giả, DN trong nước bắt tay với DN nước ngoài để buôn lậu xăng dầu cũng là vấn nạn. Vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (tỉnh Bình Thuận) trước đây cho thấy, nếu một vụ buôn lậu trót lọt, DN có thể kiếm tới cả trăm tỷ đồng chỉ riêng từ việc trốn khai báo hải quan 13.000 tấn xăng A92.

Cũng theo vị lãnh đạo DN, số vụ buôn lậu xăng dầu bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua, mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Hiện tại, có một số DN kinh doanh đầu mối quy mô nhỏ đang có hoạt động rất đáng ngờ khi liên tục đẩy thù lao, hoa hồng cho đại lý lên cao bất thường để chiếm thị phần.

Theo tính toán của vị này, như với xăng, nếu làm giả, DN sẽ trốn được 4.000 đồng/lít tiền thuế môi trường, chưa kể trốn được 42% các loại thuế, phí tương ứng với khoảng 4.000 đồng/lít. Tính chung, DN sẽ “ăn” được ít nhất 8.000 đồng tiền thuế, phí mỗi lít xăng dầu. Các DN sẽ dùng lợi thế này để tăng chiết khấu cho các đại lý lên 3.000-3.500 đồng/lít. Như vậy DN làm đúng luật sẽ “chết hết” do mức chiết khấu hiện chỉ khoảng 1.100-1.200 đồng/lít.

“Số tiền mà các DN làm giả và buôn lậu xăng dầu “chiếm đoạt” được của Nhà nước sẽ khiến ngân sách thất thu rất lớn. Chỉ một tàu nhỏ bán 10.000m3 xăng dầu trót lọt ra thị trường, DN ung dung đút túi 50 tỷ đồng”, vị này nói.

“Buôn lậu” để sống?

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, các DN xăng dầu đầu mối năm 2020 nhập khẩu khoảng 8,03 triệu m3/tấn xăng dầu. Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường năm 2020 là 22,8 triệu m3/tấn. Trong số 37 DN đầu mối, có tới 15 DN có tổng lượng phân giao nhập khẩu chỉ khoảng 500.000 m3/tấn. Đáng chú ý, trong số các DN được cấp phép, có 8 DN mức nhập khẩu và tổng nguồn không đạt mức cơ quan quản lý giao.

Điều khó hiểu nhất là nhiều DN mới được cấp phép trong năm 2019 và 2020 không có lượng nhập khẩu như hạn mức đăng ký và phân giao nhưng vẫn bình yên vô sự, và không hề bị cơ quan quản lý xử lý hoặc thu hồi giấy phép. Cụ thể, trong số này có các đơn vị như: Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh và Công ty TNHH Hà Anh.

“Một DN xăng dầu đầu mối với lượng phân giao rất thấp mà cả năm không bán nổi 5.000 m3/tấn xăng dầu thì thật sự khó hiểu. Với 10 cửa hàng và 40 đại lý để có đủ điều kiện cấp phép xăng dầu, ít nhất mỗi cửa hàng phải bán được 50m3/ tháng hoặc 500-600 m3/tấn/năm mới đủ hòa vốn. Muốn có lợi nhuận, lượng bán ra phải cao hơn nhiều mức này. Tính chung một đầu mối phải nhập tối thiểu hơn 25.000m3/tấn/năm mới đủ nguồn thu để hoạt động. Chỉ có buôn lậu xăng dầu hoặc dùng giấy phép làm việc gì khác mới có nguồn giúp DN “sống” như vậy”, một đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phân tích.

“Chỉ cần cơ quan quản lý kiểm soát chặt quy định mức phân giao và kiểm soát những DN có lượng phân giao dưới 25.000m3/tấn/năm là cũng ra nhiều chuyện hay. Khi đó cũng sẽ kiểm soát được việc người cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu có làm đúng quy định trong Nghị định 83 hay không”, một thành viên HĐQT của DN xăng dầu đầu mối lớn đề nghị không nêu tên nói với PV Tiền Phong.

Thông tin từ Bộ Công Thương, đoàn kiểm tra của bộ đã phối hợp với nhiều đơn vị chức năng như công an, quản lý thị trường, tài chính thực hiện kiểm tra, hậu kiểm đối với khoảng 10 DN kinh doanh xăng dầu từ trước Tết Nguyên đán.

Một quan chức Bộ Công Thương cho biết, các DN xăng dầu bị kiểm tra đợt này nằm trên phạm vi cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực phía Nam.

Theo vị này, các đơn vị sẽ có báo cáo lãnh đạo bộ xem xét, quyết định hướng xử lý với những doanh nghiệp có vi phạm bị phát hiện. Dự kiến có 4-5 DN sẽ bị rút giấy phép, trong đó có cả những DN đã được cấp phép rất lâu và chủ yếu là DN tư nhân. “Mặc dù sẽ chịu sức ép trong quá trình làm nhưng quan điểm của chúng tôi là phải làm nghiêm”, vị này cho hay.

Cần siết cấp phép, quản lý xăng dầu

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng, các quy định về quản lý xăng dầu hiện nay đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc cấp phép ồ ạt trong thời gian ngắn đồng thời không có chế tài thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục. Đây là lỗ hổng rất lớn để một số DN xăng dầu đầu mối trục lợi. Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có quy định DN có 40 đại lý, 10 cửa hàng sở hữu và đồng sở hữu là đủ điều kiện trở thành DN đầu mối. Vấn đề là phải kiểm tra xem DN đạt đủ quy định chưa. “Việc cấp phép dễ dàng, nể nang trong cấp phép cũng như trong thanh, kiểm tra là yếu tố thúc đẩy DN chạy giấy phép kinh doanh xăng dầu để sau đó làm ăn bất chính”, vị này cho hay.

MỚI - NÓNG