Luật Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời: Tổng cục Thuế nói gì?

Ngoài tăng mức giảm trừ gia cảnh, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ khác cho người dân Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn
Ngoài tăng mức giảm trừ gia cảnh, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ khác cho người dân Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn
TPO - Phản hồi mới nhất tới Tiền Phong, Tổng cục Thuế cho biết đang phối hợp với đơn vị có thẩm quyền của Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cùng với việc rà soát, đánh giá tổng kết toàn diện chính sách thuế này.

Liên quan tới bài viết Tổng cục Thuế bảo thủ với thuế thu nhập cá nhân đăng trên Tiền phong online ngày 2/9, Tổng cục Thuế vừa có phản hồi tới Báo Tiền phong.

Theo Tổng cục Thuế, đơn vị này thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo các công bố của Tổng cục Thống kê để đảm bảo quán lý thuế theo đúng quy định của luật.

Tổng cục Thuế lấy cập nhật chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 18,17% so với thời điểm 1/7/2013 và cho rằng chưa đến mức biến động 20% để phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. “Như vậy, việc bài báo cho rằng Tổng cục Thuế bảo thủ với thuế TNCN là không chính xác”, Tổng cục Thuế ý kiến.

Ngành thuế cũng cho hay, theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, dự kiến mức tăng CPI năm 2019 khoảng dưới 4%, dẫn đến chỉ số CPI có thể vượt trên 20% so với thời điểm Luật số 26/2012/QH13 có hiệu lực.

Do đó, Tổng cục Thuế đang phối hợp với đơn vị có thẩm quyền của Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cùng với việc rà soát, đánh giá tổng kết toàn diện chính sách thuế TNCN để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.

Như Tiền Phong đã phản ánh, Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 (hiệu lực từ 1/7/2013) quy định, mức giảm trừ gia cảnh với mỗi người có thu nhập đến mức phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người.

Luật cũng quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Hơn nữa, theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đối với người làm công ăn lương, được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Như vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540 USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/tháng) để tính mức giảm trừ gia cảnh thì trong kỳ tính thuế tới (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh sẽ phải là 12 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ với Tiền Phong, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Thuế TNCN sau 6 năm triển khai đã lỗi thời và đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc việc điều chỉnh, sửa đổi theo quy định cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ngoài việc xem xét điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng cần xem xét giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ khác của người nộp thuế.

Tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 ngày 27/8, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN, Bộ Tài chính xác nhận: “Sau 6 năm triển khai, đến nay nhiều quy định không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung. Hiện Vụ Chính sách thuế đang chủ trì báo cáo Bộ Tài chính. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến rồi trình ra Quốc hội”.

MỚI - NÓNG