Ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, cơ quan này rất muốn ngành hàng ăn uống, dịch vụ cao cấp sử dụng máy tính tiền có kết nối với thuế, không dùng tiền mặt trong thanh toán... Đồng thời, các đơn vị này cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử để xác minh chính xác doanh thu thực tế phát sinh. Đây được coi là biện pháp nhằm tăng cường quản lý thuế với hoạt động kinh doanh ngành ăn uống, dịch vụ cao cấp.
Trong Luật sửa đổi các luật thuế có quy định ngưỡng không sử dụng tiền mặt. Theo đó, hóa đơn 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên tới đây, ông Tâm tiết lộ, theo nhiều đề xuất, có khả năng ngưỡng trên sẽ hạ xuống ngưỡng 5 triệu đồng nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Giải thích về đề xuất này, ông Trần Ngọc Tâm cho biết, đề xuất này không có nghĩa là tới đây đi ăn nhà hàng, quán ăn không được dùng tiền mặt mà phải thanh toán qua thẻ hay chuyển khoản... Hướng trước mắt những giải pháp trên được áp dụng cho những nhà hàng có quy mô lớn, nhiều chi nhánh, có nhu cầu xuất hóa đơn chứ chưa áp dụng cho những quán ăn nhỏ.
Theo ông Tâm, tiêu chí để phân biệt là nhà hàng thường bán theo kiểu đặt món, trong khi quán ăn thường bán các món nấu sẵn, ví dụ quán phở, bún bò, hủ tiếu...
“Đây mới chỉ là đề xuất, sẽ phải thông qua việc lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình UBND TPHCM để nơi này trình cấp có thẩm quyền” – ông Tâm chia sẻ.
Trong nhiều hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến thuế tại TPHCM, Cục Thuế TP cho biết, hiện với cơ chế khoán thuế, các đơn vị kinh doanh có thể lách bằng nhiều cách. Cơ quan thuế quy định bán hàng từ 200.000 đồng phải xuất hóa đơn nhưng hiện nhiều nơi không thực hiện. Người mua hỏi, họ sẽ cộng thêm 10% thuế trong khi có trường hợp tiền thuế đã nằm trong giá bán.
Tình trạng này phổ biến giúp những đơn vị kinh doanh này trốn thuế VAT và trốn luôn cả thuế thu nhập doanh nghiệp. Tới đây, khi bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, đơn vị kinh doanh sẽ không phải “luồn cúi” đơn vị kiểm tra, hạn chế tiêu cực.