Cụ thể , dự thảo nêu rõ đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng trong một ngày.
Đối với giao dịch rút tiền mặt VND từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng trong một ngày. Điều này được ban soạn thảo lý giải là để hạn chế rủi ro nên phải có giới hạn hạn mức rút tiền mặt bằng thẻ qua POS tại đơn vị chấp nhận thẻ theo ngày (hạn mức thấp để sử dụng chỉ trong các trường hợp cần thiết, phù hợp với thông lệ các nước).
Đồng thời dự thảo cũng quy định, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: Hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung này cũng mở rộng đối tượng sử dụng thẻ tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng thêm đối tượng chủ thẻ chính 15 đến 18 tuổi cho thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi để đồng bộ với quy định về đối tượng được vay của Luật các Tổ chức tín dụng.
Trao đổi với Tiền phong, một đại diện ngân hàng phụ trách lĩnh vực thẻ cho rằng, mục tiêu văn bản này nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt được rút từ thẻ để chi tiêu không đúng mục đích. “Đây là văn bản mang tính tích cực nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra thời gian vừa qua”, vị này lưu ý
Phân tích của các chuyên gia cho thấy do chi phí của việc rút tiền mặt ở nước ngoài quá cao nên trong trường hợp cần thanh toán toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ…, chủ thẻ thường thanh toán bằng phương thức cà thẻ. Tuy nhiên, do không ít chủ thẻ có mục đích chuyển tiền ra nước ngoài nên họ chấp nhận chi phí cao để rút được tiền mặt trong khi số ngoại tệ mà họ rút là của các NH Việt Nam. Như thế, chủ thẻ rút tiền mặt với số lượng lớn ở nước ngoài có thể làm cho Việt Nam đối mặt với nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Vì thế, NH Nhà nước quy định hạn mức tối đa rút tiền mặt ở nước ngoài không quá 30 triệu đồng/ngày sẽ hạn chế được tình trạng ngoại tệ bị "bốc hơi".
Đối với giao dịch rút tiền mặt VNĐ từ thẻ tín dụng tại máy POS của đơn vị chấp nhận thẻ, dự thảo Thông tư cũng quy định chủ thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng/ngày. NHNN cho rằng quy định này là để hạn chế rủi ro cho chủ thẻ khi rút tiền mặt tại máy qua máy POS. Hạn mức thấp để sử dụng chỉ trong các trường hợp cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn bổ sung quy định đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Thời hạn hiệu lực của thẻ của người nước ngoài không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Nhiều NH cho biết quy định trên sẽ hạn chế được tình trạng tội phạm về thẻ có yếu tố nước ngoài. Bởi, hiện nay có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam vài ngày chỉ mở thẻ tín dụng để chuẩn bị sẵn số tài khoản tại NH Việt Nam. Sau đó, về nước rồi cấu kết với kẻ xấu tiến hành các hành vi lừa đảo, yêu cầu người dính "quả lừa" chuyển tiền vào tài khoản của thẻ tín dụng.
Thống kê của Vụ thanh toán NHNN, tính đến hết quý 2/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế trên cả nước bao gồm cả thẻ nội địa và quốc tế lên tới 121 triệu thẻ.