FDI công nghệ cao hay bất động sản?
Theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ KH&ÐT), đến tháng 6/2018, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ %GDP, vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Ðộ và phần lớn vượt các nước ASEAN. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vị trí đứng đầu về thu hút vốn FDI với tỷ lệ 58%, tiếp theo là kinh doanh bất động sản 16%.
“Mặc dù FDI góp phần quan trọng vào xuất khẩu, nộp ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam. Thế nhưng FDI vào Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như chưa tác động lan toả đến khu vực trong nước; chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút, sử dụng FDI”, ông Nội cho biết.
Xuất phát từ thực trạng này, Bộ KH&ÐT đang xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Quá trình xây dựng chiến lược mới có sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế. Là một trong những chuyên gia đồng hành từ ngày đầu tiên xây dựng dự thảo Chiến lược FDI thế hệ mới cho Việt Nam, ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân (Tổ chức Tài chính quốc tế) cho rằng, phần lớn đầu tư FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các ngành thuộc nhóm khai thác thị trường như bất động sản, chế tạo, chế biến giá trị gia tăng tương đối thấp.
“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu như không có doanh nghiệp FDI nào coi tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, những công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hay Philippines đều cho biết người lao động ở những quốc gia này có tay nghề cao hơn và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn Việt Nam”, ông Wim Douw đưa ra so sánh.
Từ kết quả khảo sát, chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế đưa ra khuyến nghị Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam cần tập trung ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Theo đó, các ngành nghề mà Việt Nam cần chủ động xúc tiến đầu tư để mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới gồm: Chế tạo chế biến, dịch vụ - Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế. Ðặc biệt, chuyên gia của IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới) nhấn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở cấp độ 4.0, nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Cơ quan chức năng cần lấp đầy sự chênh lệch này mới có thể thực hiện thành công Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài việc tập trung thu hút ngành nghề công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường như chuyên gia quốc tế chỉ ra, Chiến lược FDI thế hệ mới cần tập trung khắc phục hạn chế mà FDI đang gặp phải.
“Chúng ta phải nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại của FDI. Từ đó, đưa ra giải pháp khắc phục và định hướng chiến lược mới. Bởi trước đó, Việt Nam từng đưa ra nhiều chính sách nhưng cách thực hiện chưa được như kỳ vọng”, ông Thắng kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, một trong những điểm cần chú trọng ở Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới là thay đổi cách xúc tiến đầu tư. Các địa phương cần chọn lọc chất lượng dự án chứ không phải thu hút ồ ạt để đạt số vốn lớn.
Chuyển giá ngày càng phức tạp
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó TGÐ tư vấn Thuế thuộc Cty Deloitte Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam hưởng nhiều ưu đãi về thuế như: miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu; cho thuế đất với giá ưu đãi… DN FDI được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Với các tập đoàn đa quốc gia, chính sách ưu đãi ít khi là tiêu chí hàng đầu để xem xét, quyết định vị trí hoạt động. Vì vậy, để lựa chọn đúng nhà đầu tư có công nghệ cao, thân thiện môi trường, Việt Nam cần xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư hướng tới thị trường trong nước. Cơ quan chức năng cần đổi mới tư duy từ việc đua nhau ưu đãi để thu hút sang cạnh tranh dựa trên lợi thế đặc thù như vị trí, tài sản chiến lược…”, ông Tuấn nói.
Theo đại diện Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc chú trọng ưu đãi thuế, cũng là một trong những lý do khiến DN FDI “lách” thuế, thậm chí chuyển giá. Ðể chứng minh điều này, Cục Tài chính doanh nghiệp đưa ra dẫn chứng số liệu phân tích báo cáo tài chính DN FDI từ 2012-2016. Theo đó, có tới 44%-51% DN FDI báo lỗ hàng năm. Trong 2 năm liên tiếp 2015-2016, số DN FDI báo lỗ luôn trên 50%. Dù báo lỗ, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN này ngày càng tăng, cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng phức tạp. Bên cạnh tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, việc chuyển giá của DN FDI xuất hiện nhiều hiện tượng mới như chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam). Thực trạng này diễn ra ở một số DN FDI lớn trong thời gian miễn giảm thuế thu nhập DN.
“Dù hoạt động tốt nhưng DN FDI nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này do DN FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao (như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…) để chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ KH&ÐT rà soát, có chính sách để khắc phục hạn chế về thuế trong Chiến lược FDI thế hệ mới”, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.
Trong Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, ngành nghề Việt Nam cần chủ động xúc tiến đầu tư để mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất gồm: Chế tạo chế biến, dịch vụ - Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế...