Ngay trong câu đầu chia sẻ, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, có người nói việc Bamboo Airways tuyên bố bay thẳng đi Mỹ là “chém gió”. Và để khẳng định việc bay đi Mỹ là khả thi về mặt kinh tế, ông Quyết đã dẫn các tính toán của mình cho đường bay này.
Theo đó, để bay thẳng tới Mỹ, Bamboo Airways sẽ thuê máy bay B787-9, chi phí mỗi tháng gồm: Tiền thuê tàu bay 23 tỷ đồng, nhiên liệu bay thẳng Việt – Mỹ hết 61 tỷ đồng, chi phí kỹ thuật khoảng 16 tỷ đồng, chi phí sân bay khoảng 1 tỷ đồng, chi phí khác khoảng 6 tỷ. Tổng chi phí hết 113 tỷ đồng/tháng.
Tàu bay B787 có 310 ghế, nhưng để tăng nhiên liệu đáp ứng cho chặng bay dài, tăng ghế hạng thương gia nên phải giảm còn 240 ghế. Nếu giá vé khứ hồi là 1.100 USD/khách, sẽ lỗ 14 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu tăng giá vé khứ hồi lên 1.300 USD/khách sẽ lãi 8,4 tỷ đồng. Còn nếu sử dụng tàu bay A350, số ghế có thể tăng lên 280 ghế, lãi sẽ còn lớn hơn.
“Ban đầu có thể khuyến mại để thu hút khách, sau đó tăng giá vé lên. Dù giá vé có tăng lên 1.300 USD/vé khứ hồi vẫn rẻ hơn giá vé đang bay đi Mỹ của các hãng hàng không của Nhật, Hàn. Điều đó rõ ràng là có tiềm năng, là cơ hội”, ông Quyết nói.
Về rủi ro, theo ông Quyết, nếu số ghế mỗi chuyến bay không được lấp đầy, thì tính toán trên có thể sẽ khác. “Tuy nhiên, chúng tôi đều đã có các phương án tài chính cho các kịch bản khác nhau. Để khắc phục, thay vì bay cả tuần, có thể mỗi tuần chỉ bay 2-3 chuyến”, Chủ tịch Bamboo Airways nói thêm.
Dự kiến, vào tháng 10 tới Bamboo Airways sẽ nhận máy bay B787-9 đầu tiên. Do đó, lãnh đạo hãng hàng không này đặt mục tiêu bay Mỹ vào cuối năm nay, hoặc đầu năm tới.
Với đường bay thẳng Việt – Mỹ, thực tế từng có 2 hãng hàng không Mỹ bay thẳng tới Việt Nam, nhưng do thua lỗ nên đã phải dừng khai thác.
Đầu tiên là vào năm 2007, hãng hàng không United Airlines đã bay tới TPHCM, nhưng sau 5 năm đã phải dừng khai thác. Sau đó, hãng Delta Airlines cũng bay tới TPHCM, nhưng rồi cũng phải dừng sau thời gian ngắn khai thác.
Về phía Việt Nam, từ năm 2008, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đường bay thẳng tới Mỹ, đã tiếp nhận và khai thác 2 dòng máy bay thân rộng là B787 và A350. Hãng này đặt kế hoạch dự kiến khai thác từ cuối năm 2018, nhưng hiện chưa thực hiện. Còn các hãng khác hiện cũng có kế hoạch mở đường bay này, nhưng chưa sở hữu tàu bay thân rộng đáp ứng được điều kiện bay tới Mỹ.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đường bay Mỹ có thể lỗ 5-10 năm đầu, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD. Còn lợi nhuận phải nhìn vào thời gian lâu dài sau đó.