4 'ông lớn' ngân hàng đồng loạt xin gỡ khó tăng vốn

TP - Ngân hàng Nhà nước đã từng kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại lớn. 

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 đồng thời đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. 

Phát biểu tại phiên họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, có một điểm rất khó khăn với bốn ngân hàng thương mại nhà nước, đó là vấn đề tăng vốn. Theo bà Hồng, hiện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi các ngân hàng này nếu không được tăng vốn thì sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn. Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn nói trên cho bốn ngân hàng thương mại nhà nước, bà Hồng cho biết.

Đây cũng không phải lần đầu tiên kiến nghị sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước được đề cập. Trước đó, tại một số hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại lớn. 

Trong tuần qua, tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo các NHTM Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đề cập đến vấn đề này với các cổ đông . Theo đó, các NHTM cho cổ đông biết sẽ tiến hành chia cổ tức nhưng phải chờ ý kiến từ Bộ Tài chính với đề xuất xin tăng vốn lấy từ phần lợi nhuận thặng dư. Nếu điều đó xảy ra cũng đồng nghĩa cổ tức các cổ đông nhận được từ các ngân hàng này đa số sẽ là cổ phiếu thưởng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.