Kinh tế Trung Quốc “khật khừ”

Hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, Sơn Đông Ảnh: Reuters
Hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, Sơn Đông Ảnh: Reuters
TP - Các chỉ số xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua  xấu hơn rất nhiều so với dự kiến và là bằng chứng cho thấy nền kinh tế của nước này đang yếu đi nhanh chóng.

SCMP dẫn các thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt 221,25 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng 11, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2016 này được xem là bất ngờ, bởi trước đó các nhà phân tích dự đoán kim ngạch sẽ tăng 2%, theo một cuộc thăm dò của hãng Bloomberg.

Điều đáng lo ngại đối với chính giới Trung Quốc và cả cộng đồng kinh tế thế giới là khắp nơi đã cảm nhận sự sụt giảm sức mua của thị trường Trung Quốc, từ doanh số bán hàng điện thoại iPhone đến ô tô. Tuần trước, hãng xe Jaguar Land Rover, thông báo cắt giảm một loạt nhân công với nguyên nhân được cho là liên quan đến doanh số sụt giảm ở Trung Quốc. Không chỉ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 12 cũng chứng kiến sự sụt giảm ở mức 7,6%, thấp nhất kể từ tháng 7/2016, theo Reuters.

Các thông tin tiêu cực về kinh tế Trung Quốc xuất hiện trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết. Trong năm 2018, Trung Quốc vẫn thặng dư thương mại đối với Mỹ ở mức 323,32 tỷ USD, tăng 17,2% và là mức cao nhất kể từ năm 2006, theo một tính toán của Reuters dựa trên các số liệu hải quan.

Mức thặng dư lớn của Trung Quốc đối với Mỹ từ lâu là vấn đề đau đầu với Washington và Mỹ liên tục đòi Trung Quốc phải có biện pháp làm giảm tình trạng này.

 Mặc dù hai bên đã áp thuế trả đũa với hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau trong suốt nửa cuối năm 2018, tuy nhiên các chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc tại thị trường Mỹ vẫn tăng lên, nhiều khả năng do các công ty tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu trước khi Mỹ áp thuế nặng hơn và rộng hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 9,9% trong năm 2018, cao nhất trong vòng 7 năm. Nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2018 cũng tăng 15,8%.

Tuy nhiên trong một vài tháng trở lại đây, tốc độ tăng trưởng này đã chậm lại nhanh chóng. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 12 giảm tới 3,5% trong khi nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm 35,8%.

Mỹ đã đồng ý thời hạn “hoãn binh” 90 ngày, các chỉ số xuất nhập khẩu của Trung Quốc phải cải thiện, theo dự kiến của các nhà phân tích. Nhưng những gì diễn ra lại không theo chiều hướng đó. “Theo quan điểm của chúng tôi, rất có thể đây là hiện tượng suy thoái thương mại”, Raymond Yeung, nhà kinh tế của ANZ nói. “Chuỗi sản xuất-phân phối thiết bị điện tử toàn cầu là động lực xuất khẩu chính của Trung Quốc.  Tình trạng đi xuống trong lĩnh vực này tạo ra nguy cơ thực sự đối với viễn cảnh thị trường xuất khẩu ngày cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về thương mại”.

Tập đoàn ngân hàng-tài chính ING nói sụt giảm xuất khẩu hàng điện tử có thể liên quan đến việc nhiều Cty nước ngoài tránh sử dụng linh kiện do Trung Quốc sản xuất.

Không chỉ có sụt giảm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tại thị trường trong nước, sức mua đối với nhiều loại hàng hóa quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đã yếu đi trông thấy.

Các hãng xe hơi như Geely (Trung Quốc) hay Jaguar Land Rover (Anh) mới đây đã lên tiếng cảnh báo về doanh số không mấy lạc quan tại thị trường Trung Quốc trong năm 2019. 13% là tỷ lệ sụt giảm doanh số xe hơi trong tháng 12 vừa qua và đây là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm.

Thị trường ô tô Trung Quốc “vẫn đang đối mặt với áp lực khá lớn trong ngắn hạn”, Thạch Kiến Hoa, quan chức Hiệp hội sản xuất ô tô Trung Quốc nói.

“Tăng trưởng nhập khẩu chậm lại cùng những dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế quốc nội của Trung Quốc đang yếu đi”, Louis Kuijs, trưởng nhóm kinh tế châu Á của đại học Oxford nói với Reuters.

Đầu tháng này, ngân hàng trung ương Trung Quốc nói họ có thể phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ năm trong vòng một năm qua, nhằm kích thích kinh tế.

MỚI - NÓNG