Theo Wall Street Journal (Mỹ), trước tiên, ngành công nghiệp du lịch hằng năm đóng góp hơn 7% vào kinh tế Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng. Du khách giờ đây bắt đầu tránh tới Bangkok vì lo ngại bất ổn.
Hãng Singapore Airlines cho biết có thể hủy 19 chuyến bay đến thủ đô Thái Lan trong khoảng từ 14/1 đến 25/2, do nhu cầu giảm. Dù nhiều du khách vẫn kéo tới Thái Lan, nhưng các doanh nghiệp nước này tỏ ra lo ngại về tác động của đợt biểu tình, đặc biệt nếu biểu tình bùng phát thành bạo lực hoặc phe đối lập bao vây sân bay Bangkok, như họ từng làm suốt hơn một tuần hồi năm 2008.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Issara Vongkusolkit nói tỷ lệ đặt phòng khách sạn ở Bangkok đã tụt xuống mức chỉ còn 40-50% so với tỷ lệ 90% mùa cao điểm.
Bangkok là khu vực đầu mối của nhiều công ty đa quốc gia. Một cuộc vây hãm trung tâm thành phố kéo dài sẽ làm chậm việc giao hàng và gây rối loạn xuất nhập khẩu. Phó Chủ tịch TCC Pornsil Patcharaintanakul cho biết vô số doanh nghiệp thành viên dự trữ nguyên vật liệu thô và nhiều loại hàng hóa khác trong các kho trữ hoặc nhà xưởng bên ngoài Bangkok.
Báo Thái Lan Bangkok Post ngày 7/1 dẫn lời giới lãnh đạo doanh nghiệp Thái thúc giục các thành viên chuẩn bị kế hoạch đối phó hậu quả của đợt biểu tình tuần tới. Lời cảnh báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa TCC, Ủy ban thường trực về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB), Liên hiệp Công nghiệp Thái Lan (FTI) và Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan.
Tổn hại đầu tư nước ngoài
Chủ tịch FTI Payungsak Chartsuthipol nói nếu tiếp tục diễn ra, biểu tình sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế (năm nay chỉ tăng trưởng dưới 5%). Ông cảnh báo hệ thống kinh tế sẽ sa lầy, các đơn hàng giảm, lợi nhuận doanh nghiệp, tiêu dùng nội địa cùng tụt dốc, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
Tuyên bố của thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban sẽ phong tỏa Bangkok ngày 13/1 khiến giới kinh doanh hết sức lo lắng. Pichai Nariphthanpan, một lãnh đạo của đảng cầm quyền Pheu Thai, cảnh báo hành động này nếu xảy ra sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đầu tư nước ngoài vốn đã xuống thấp. Dẫn nguồn Bangkok Post, ông Pichai nói các nhà đầu tư ngoại hồi tháng 12/2013 bán ra khoảng 200 tỷ bath (4,5 tỷ euro) cổ phiếu. Theo ông Pichai, khủng hoảng chính trị đã làm nền kinh tế Thái Lan thiệt hại 70 tỷ bath.
JSCCIB kêu gọi tất cả thành viên tránh bạo lực, tình nguyện làm trung gian hòa giải giữa hai phe đối lập. Ông Issara có kế hoạch tổ chức một cuộc gặp của 7 tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực chủ chốt trong ít ngày tới, để bàn biện pháp giải quyết bế tắc chính trị.
Các tổ chức trên bao gồm Ủy ban Thương mại Thái Lan, FTI, Hiệp hội Ngân hàng, Hội đồng Du lịch Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán Thái Lan, Liên đoàn Các tổ chức thị trường tài chính và Hiệp hội Các doanh nghiệp niêm yết. Năm ngoái, các tổ chức này kêu gọi tiến hành cải cách ngay lập tức. Họ kêu gọi các chính trị gia thức tỉnh để tránh gây thiệt hại cho đất nước, đàm phán nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi khủng hoảng.
Đại học Công nghiệp và Thương mại Thái Lan ước tính, các cuộc biểu tình tuần tới sẽ khiến kinh tế nước này mất tới 20 tỷ baht (606 triệu USD). Tỷ giá giữa đồng bath và đô-la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua (33 baht “ăn” 1 USD). Hôm 3/1, chỉ số chứng khoán Thái Lan xuống mức thấp nhất 1 năm qua - 1.224 điểm. Dự báo, tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ đạt khoảng 4% năm 2013, so với mức 6,5% năm 2012.