Trụ đỡ kinh tế suy sụp
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính cho kinh tế của Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các chương trình kích cầu du lịch nội địa phải tạm dừng để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; tiêu dùng xã hội giảm sâu và dự báo sẽ còn tác động rất lớn đến tăng trưởng của cả năm 2020.
Ngành du lịch Đà Nẵng chỉ mới hồi sinh trong một thời gian ngắn nhờ chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa và chương trình “Cảm ơn Đà Nẵng” đã thu hút một lượng lớn khách du lịch nội địa đến với Đà Nẵng vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Tuy nhiên, trong tháng 8, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ đạt 434 tỷ đồng (giảm hơn 75% so với tháng 7 và chỉ bằng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, dịch vụ lưu trú giảm đến 97% so với tháng 7.
Tất cả các tua du lịch đều bị hủy, các công ty lữ hành tạm dừng hoạt động, doanh thu du lịch lữ hành trong tháng không có phát sinh. Lũy kế cả 8 tháng, doanh thu lữ hành chỉ ước đạt 557 tỷ đồng, giảm 63,6% so cùng kỳ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, với kịch bản lạc quan nhất, Đà Nẵng cũng khó có thể phục hồi các dịch vụ trong năm 2020.
Theo ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, nếu đến tháng 10, các khách sạn trên địa bàn hoạt động trở lại, cùng với việc mở đường bay thương mại với một số nước có chỉ số an toàn cao thì ít nhất phải đến tháng 12, các khách sạn mới có thể đón khách trở lại.
Các doanh nghiệp tại các KCNở Ðà Nẵng thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo vừa chống dịch, vừa hoạt động sản xuất Ảnh: Giang Thanh
Khó tiếp cận gói hỗ trợ
Ông Trần Văn Tỵ, Phó Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng cho biết, qua công tác rà soát, đến nay có 144 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở các mức độ khác nhau, trong đó có 38 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giãn tiến độ, 22 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do khó khăn về nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, cho công nhân nghỉ để phòng chống dịch. Kể từ khi dịch Covid-19 đợt 2 xảy ra đến nay có 1.508 người lao động bị ảnh hưởng.
Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa không thể kinh doanh. “Gần 90% các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch bệnh bùng phát trở lại. Việc phục hồi sẽ khó khăn và mức độ phục hồi kinh tế như thế nào phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của Chính phủ. Trước mắt là việc gỡ bỏ dần dần trạng thái cách ly xã hội. Nếu kéo dài cách ly xã hội, một số doanh nghiệp thương mại, dịch vụ về du lịch không thể vực dậy nổi”, ông Bình cho hay.
Theo ông Bình, hiện hầu hết doanh nghiệp rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ bởi các tiêu chí đưa ra quá nhiều. Đơn cử như ngay với gói 16 nghìn tỷ đồng cho vay không lãi để hỗ trợ trả lương cho người lao động cũng không doanh nghiệp nào tiếp cận được. Trong thời gian đóng cửa vì cách ly xã hội, doanh nghiệp vẫn bị ngân hàng gọi điện đòi nợ... Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, cần có chính sách “nới” các điều khoản để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực logistics, ông Bình cho biết doanh nghiệp mình đang gặp nhiều bất lợi vì nằm ở tâm dịch Đà Nẵng. “Thực tế, các doanh nghiệp logistics Đà Nẵng đang rất khó khăn. Việc chở hàng đến các địa phương khác như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... đều bị kiểm soát gắt gao. Nhiều địa phương không cho tài xế người Đà Nẵng điều khiển phương tiện vào địa phận của họ dù tài xế khai báo y tế đầy đủ…”, ông Bình nói.
Ông Trần Văn Tân, Cục trưởng cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết, tính đến giữa tháng 8 đã có hơn 56 nghìn lao động bị ảnh hưởng, tập trung nhiều nhất ở khối ngành du lịch, dịch vụ với hơn 44 nghìn người. Đặc biệt, tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có hơn 100 doanh nghiệp bị tác động lớn. Các hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố hiện đang tạm dừng. Ước tính quý 3 năm 2020 sẽ có khoảng 11,7 nghìn lao động đăng ký hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc và bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến số tiền phải chi trợ cấp hơn 175 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Ðà Nẵng Cao Trí Dũng đưa ra 4 đề xuất để “cứu” doanh nghiệp du lịch vào thời điểm này, đó là: Giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch ít nhất đến hết năm 2020; tiếp tục áp dụng các chính sách giảm chi phí điện nước (đã dừng từ ngày 30/6) đến hết năm; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới. “Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến năm 2021”, ông Dũng nói.