Kinh nghiệm lái ô tô đổ đèo an toàn

Kinh nghiệm lái ô tô đổ đèo an toàn
TPO - Lái xe đường đèo núi, đặc biệt là đổ đèo, là kỹ năng khác biệt hoàn toàn với việc lái xe trên đường cao tốc hay trong thành phố, những sai lầm có thể phải trả giá rất đắt.

Lái xe là tích lũy kinh nghiệm, những lái xe giỏi lâu năm được gọi là “tài già”, tương tự những phi công có số giờ bay nhiều hơn. Đổ đèo là một kỹ năng mà những lái xe luôn cần phải tích lũy kinh nghiệm để điều khiển xe an toàn.

Có nhiều người, mua xe hơi ở thành phố, thường xuyên lái xe trong thành phố, thỉnh thoảng chạy xe trên đường cao tốc liên tỉnh, nên không có nhiều kinh nghiệm trong việc lái xe đường đèo núi, đặc biệt là đổ đèo. Việc không có kinh nghiệm đổ đèo khiến chiếc xe hoàn toàn có thể rơi vào tình thế nguy hiểm. Những kỹ năng dưới đây trong việc đổ đèo có thể hỗ trợ bạn.

Cần cái đầu lạnh

Đổ đèo đối với tay lái ít kinh nghiệm, an toàn luôn là yếu tố tiên quyết. Nếu bạn đi đèo theo đoàn, và thấy xe đằng trước lao vun vút với những pha ôm cua ngọt lịm, nên nhớ rằng họ có kỹ năng tốt hơn bạn và kinh nghiệm đổ đèo dày dặn hơn bạn, vì vậy không nên lao theo với tốc độ đó, vì chỉ cần 1 pha xử lý lỗi là tai nạn nghiêm trọng sẽ xảy ra, có thể là cả người và xe cùng xuống vực.

Hãy đi với tốc độ mà mình cảm thấy an toàn, có thể xử lý vào cua được, giảm tốc nếu thấy có cảm giác chiếc xe lao hơi nhanh. An toàn luôn là gạch đầu dòng đầu tiên khi tham gia giao thông, dù ở cung đường nào, và đặc biệt là đường đèo.

Hãy luôn đi đúng làn đường của mình khi chạy xe đường đèo. Đặc biệt tránh cắt cua ở những nơi có vạch kẻ liền, đây là những góc cua khuất tầm nhìn và rất dễ xảy ra tai nạn.

Chạy ở số phù hợp

Nên chạy xe ở vị trí số phù hợp, thứ mà các lái xe kinh nghiệm gọi là: “lên dốc số nào, xuống dốc số đó”. Với những đoạn đường đèo hay gặp ở Việt Nam, số 2 và số 3 là 2 vị trí số phù hợp nhất. Với những đoạn đèo dài, thoáng và độ dốc đã giảm, có thể đi ở số 4 hoặc 5. Chỉ có 1 số cung đường cực khó hay đường offroad là đi ở vị trí số 1. Với xe số tự động, bạn có thể đặt vị trí số tương tự như số sàn (số ảo), được báo hiệu bằng S hoặc L tùy loại xe.

Chạy xe số phù hợp, và không cần đạp ga, nhằm mục đích sử dụng lực cản của máy để hãm chiếc xe chạy theo tốc độ mà mình muốn khi đổ đèo. Với cách đổ đèo bằng số, xe sẽ xuống dốc ổn định, bạn sẽ đổ đèo nhẹ nhàng và an toàn, ít thao tác nhất.

Nên nhớ nếu bạn để xe ở số cao và thậm chí sử dụng chân ga, xe sẽ trôi rất nhanh và sẽ khó kiểm soát khi vào những đoạn cua gắt. chạy xe ở vị trí số cao còn khiến bạn không thể về số thấp khi cần thiết để sử dụng lực hãm từ động cơ nữa (do xe đã chạy với tốc độ quá nhanh), hết sức nguy hiểm.

Hạn chế tối đa sử dụng phanh

Nếu bạn áp dụng cách đổ đèo bằng số phù hợp và lợi dụng lực cản của máy để xuống dốc, bản thân chiếc xe đã có được tốc độ phù hợp để vào cua an toàn khi đổ đèo, vì vậy việc sử dụng phanh là không cần thiết.

Hãy để ý những lái xe đổ đèo có kinh nghiệm, đuôi xe của họ rất hiếm khi sáng đèn phanh. Ở  chiều ngược lại, những lái xe mới đi đường đèo luôn lao theo con dốc và sau đó phanh “đỏ đuôi” khi vào cua.

Không sử dụng chân ga, có thể đặt sẵn chân vị trí chân phanh, nhưng không rà phanh, để có thể phản ứng thêm phanh giảm tốc khi cần thiết.

Như đã nói ở trên, tốc độ đổ đèo của bạn có thể là 40 km/h, nhưng những tay lái giỏi có thể đổ đèo ở tốc độ 60-70 km/h, đừng đua theo họ. Hãy lái xe đường đèo thường xuyên, có thể bạn sẽ làm quen với cảm giác đổ đèo và cải thiện được tốc độ của mình, nhưng hãy nhớ an toàn là yếu tố tiên quyết.

Trở lại với phanh, nếu bạn sử dụng phanh quá nhiều khi đổ đèo, hệ thống phanh hoàn toàn có thể bị mất tác dụng, và chắc chắn sau đó sẽ là 1 vụ tai nạn. Ngày nay, công nghệ tiên tiến cho phép nhiều mẫu xe có thể sử dụng phanh lâu hơn nhiều lần mà không bị quá nhiệt, nhưng đừng nên lạm dụng, tốt nhất vẫn là sử dụng việc hãm động cơ để đổ đèo an toàn và kiểm soát tốc độ tốt nhất.

Kinh nghiệm lái ô tô đổ đèo an toàn ảnh 1

Phản ứng trong trường hợp xấu

Trong trường hợp xấu, có thể là xe mất phanh khi đổ đèo, hãy luôn luôn nhớ đường đèo có 1 bên là vực và 1 bên là vách núi, để tìm cách giảm thương vong tối thiểu. Hãy lái xe áp vào vách núi một cách từ từ, không được đánh lái quá gấp vì rất dễ gây lật xe. 

Cố gắng dựa hông xe vào vách núi để lực ma sát làm giảm tốc độ chiếc xe tới khi xe dừng hẳn. Nếu đường đèo có rãnh nằm bên vách núi, cố gắng đưa 2 bánh xe xuống rãnh để xe trượt nghiêng và hông xe dựa vào vách núi, giảm tốc cho tới khi dừng hẳn.

Hỏng xe là điều không thể tránh khỏi trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật khi đang đổ đèo, nhưng hãy nhớ tính mạng con người mới là quan trọng nhất.

Trên một số đoạn đường đèo, sẽ có 1 số đường cứu nạn được tạo ra để giúp cho những chiếc xe mất phanh thoát nạn. Đây là đoạn đường dốc lên, với mặt đường hỗn hợp giúp xe giảm tốc nhanh khi bị mất phanh hay không thể kiểm soát tốc độ, hãy lao thẳng vào nếu may mắn gặp được đoạn đường cứu nạn này khi xe bạn gặp vấn đề.

Cuối cùng, nên kiểm tra xe trước khi đổ đèo, để chắc chắn nó ở trong trạng thái tốt nhất và an toàn nhất. Hãy bảo dưỡng xe đúng thời hạn để có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống má phanh hay lốp xe của bạn, sửa chữa và thay thế kịp thời những nơi hỏng hóc. Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn của lốp xe, nước làm mát, hệ thống đèn trên xe… trước khi lên đường.

Hãy cài dây an toàn dù ở vị trí ngồi nào trong xe, để nếu không may xảy ra tai nạn, các chức năng an toàn của xe hoạt động tốt nhất và thương vong sẽ là thấp nhất.

Chúc các bạn lái xe an toàn.

MỚI - NÓNG