Kinh hoàng trại tị nạn trong rừng Calais, Pháp

Xếp hàng dài nhận đồ ăn hàng ngày.
Xếp hàng dài nhận đồ ăn hàng ngày.
TP - Nạn chém giết, tống tiền, dịch bệnh ghẻ lở, kiết lị… là những gì đang diễn ra trong trại tị nạn Calais ở Pháp mà phóng viên Anh đã  kể lại sau  một tuần thâm nhập thực tế.

Với con số 7.000 người tị nạn từ nhiều nước trên thế giới tụ họp tại đây, cả khu rừng  Calais đã biến thành một xã hội thu nhỏ với các cửa hàng, cửa hiệu, hiệu sách, cửa hàng bán sim, thẻ điện thoại, dịch vụ giặt là, quán café… tạm bợ. Những người tị nạn ở đây vẫn đang nuôi giấc mộng được sang Anh. Tại đây, nhiều biểu ngữ được viết trên lều trại như:  I need to go to UK (Tôi muốn sang Anh).

Trong một chiếc lều rách nát, phóng viên Anh đã có cuộc trò chuyện với Haji Shekho, một người Syrian, nói tiếng Anh lưu loát. Haji cho biết, anh ta có hộ chiếu, là một thợ xây dựng ở Aleppo, thành phố Syria bị phá hủy bởi nội chiến. Vợ và con gái 5 tuổi của anh vẫn còn ở Syria. Sau khi vượt qua một hành trình khổ ải, vượt qua 8 quốc gia, anh tới được lục địa châu Âu với chi phí cho bọn buôn người là 1.000 đô la. Hiện anh đang nuôi hy vọng được sang sống tại Anh, nơi có họ hàng ở đó. Theo luật nhập cư, nếu đơn xin tị nạn của anh được chấp nhận, anh sẽ được sang Anh. Sau 3 tháng sống ở trại Calais, theo anh là địa ngục trần gian, Haji đã 9 lần trốn vào xe tải chở hàng để vượt Pháp sang Anh nhưng đều bị cảnh sát bắt lại. Anh vẫn không từ bỏ ý định vượt biên và hy vọng lần tới sẽ may mắn hơn.

Tại đây có ít nhất 50 tổ chức từ thiện và nhân đạo, trong đó có hàng chục tình nguyện viên người Anh, những người đang làm công tác điều hành tại khu trại. Nhưng với số lượng người đông như vậy, tệ nạn cướp bóc, tống tiền vẫn xảy ra thường xuyên ở đây mà không ai có thể quản lý được. Mới đây nhất, vụ một cậu bé Sudan bị giết bằng dao đã gây chấn động  trại và khiến cảnh sát huy động lực lượng đông đảo tới đây.

Tính đến nay, cư dân của khu trại này đã lên tới khoảng 7.000 người, tăng gấp 3 lần so với hồi mùa hè. Haji cho biết, hiếm có nơi nào mà mật độ dân cư với đủ các quốc tịch và văn hóa như nơi này. Tuần qua, anh đã gặp những người đến từ Afghanistan, Sudan, Eritria, Iraq, Ethiopia, Pakistan, Somalia, Syria…

Những người tị nạn ở đây có đủ các thành phần, các trình độ học vấn khác nhau, có cả bác sỹ, kỹ sư… Nhưng khi vào đây, tất cả đều như nhau, hàng ngày đi nhận phát chẩn của các tổ chức nhân đạo.

Theo một số tổ chức nhân quyền, nguồn nước trong rừng bị ô nhiễm nặng và chứa nhiều khuẩn e.coli. Số người mắc bệnh ghẻ và lị ngày càng tăng mà các nhà chức trách chưa có biện pháp ngăn chặn.

Theo Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG