Kinh hoàng dùng hóa chất tái chế bún - Kỳ 2

Kinh hoàng dùng hóa chất tái chế bún - Kỳ 2
Bún bán không hết của ngày hôm trước được bà chủ lò gom về gọi là “bún cái”. Loại “bún cái” này được quẳng vào cối xay bột rồi cho vào “nước thơm” để tái chế thành bún mới.

Kinh hoàng dùng hóa chất tái chế bún - Kỳ 2

> Dùng hóa chất tái chế bún ôi thiu thành tươi mới 

Bún bán không hết của ngày hôm trước được bà chủ lò gom về gọi là “bún cái”. Loại “bún cái” này được quẳng vào cối xay bột rồi cho vào “nước thơm” để tái chế thành bún mới.

Công nhân mình trần, tay trần bốc bột, bốc bún - Ảnh: Công Nguyên
Công nhân mình trần, tay trần bốc bột, bốc bún - Ảnh: Công Nguyên.
 

Lời khai của bà chủ lò

Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi tìm hiểu thấy cơ sở sản xuất bún của bà Hoa sử dụng hóa chất có nguy cơ gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng, chúng tôi đã làm việc với UBND Q.8 để có biện pháp kịp thời ngăn chặn hành vi sản xuất thực phẩm theo cách rất không an toàn này. Được sự hỗ trợ tích cực của UBND, đoàn kiểm tra liên ngành của Q.8 và PVThanh Niên vào đầu giờ chiều 1.7 nhanh chóng đến cơ sở ghi nhận tình trạng sản xuất trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Khi đoàn vừa đến nơi, bà Hoa bảo công nhân đem các loại hóa chất đi giấu, nhưng đã bị PV và thành viên đoàn kiểm tra phát hiện giữ lại.

Bị phát hiện, bà Hoa đành "thành thật" khai với đoàn về quy trình làm bún của cơ sở: Gạo được ngâm nước 3 - 4 ngày rồi đem xay bột. Mỗi cối bột xay cho vào một loại hóa chất tẩy trắng dạng bột trắng mịn. Khi bột được xay nhuyễn thì tiếp tục cho vào 10 gr hóa chất dạng bột màu vàng chanh (bà Hoa không cho biết chất này dùng để làm gì). Tiếp theo cho bột vào từng bao (loại bao 50) ép cho ráo nước rồi trộn cùng bún cái (bún cái là cách gọi cho “sang” của bà Hoa, thực ra đó là bún ế, bún thiu của ngày hôm trước bán không hết được bà Hoa gom về tái chế - PV). Lúc này cơ sở cho "nước thơm" (nước thơm cũng là cách gọi của bà Hoa), đó là dung dịch hóa chất không màu, có mùi hôi được mua từ chợ hóa chất Kim Biên, cho vào để rửa bún, giúp bún không còn mùi hôi; rồi cho tất cả vào máy đánh bột, để đánh trộn đều hỗn hợp "bột, bún cũ, hóa chất" nói trên. Sau cùng, bà Hoa cho tiếp một loại hóa chất khác cũng màu trắng nhưng có dạng như thuốc cốm, chất sau cùng này theo bà Hoa có công dụng chống mốc!

Bà Hoa cũng khai: Với bún ế, bún cũ bà chỉ lấy những mẻ “trông còn được” để làm mới lại, còn bún nát quá thì đành cho heo. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ngay tại khu vực sản xuất, ngoài nhiều thúng bún ế, bún cũ khác, còn có chiếc thùng lớn chứa bún cũ nát vụn. Công nhân nói bún đó đem đi đổ, nhưng khi PV và đoàn kiểm tra hỏi “bỏ sao để ở khu vực sản xuất làm gì?”, thì công nhân này ậm ờ, không nói! Ghi nhận của chúng tôi tại lò bún của bà Hoa cho thấy ở đây lúc nào cũng có những thùng đựng bún cũ để ngay trong khu vực sản xuất, cạnh máy quay bột; đồng thời cũng có cả dung dịch để làm bún tái chế mất đi mùi hôi!

Toàn bộ 4 loại hóa chất mà bà Hoa khai sử dụng trong sản xuất bún đều không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn mua. Bà Hoa thừa nhận những hóa chất đó do con trai của bà mua ở chợ Kim Biên.

 Bún ế, bún cũ để cạnh cống thoát nước
Bún ế, bún cũ để cạnh cống thoát nước.
 

Sử dụng hóa chất đến hai lần

Buộc ngừng hoạt động cơ sở sản xuất bún bằng hóa chất

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua 3.7, bác sĩ Ngô Thanh Hiền - Trưởng phòng Y tế Q.8, cho biết cùng ngày đoàn kiểm tra liên ngành của Q.8 đã đến cơ sở sản xuất bún của bà Hoa để thông báo về việc buộc cơ sở của bà ngưng hoạt động sản xuất bún kể từ ngày 3.7. Yêu cầu chủ cơ sở khắc phục những vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bác sĩ Hiền cho biết thêm, Thường trực UBND Q.8 cũng đã chỉ đạo phòng y tế của quận lên kế hoạch phối hợp với các bộ phận để mở rộng việc kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất bún, đậu hũ... trên địa bàn quận, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những cơ sở sai phạm.

Chúng tôi lấy các hóa chất mà bà Hoa sử dụng để sản xuất và tái chế bún đem ra chợ Kim Biên để hỏi mua. Khi thấy chất bột màu vàng chanh, một chủ sạp hóa chất ở đây nói ngay: “Là hóa chất tinopal, một hóa chất sử dụng trong công nghiệp. Chất này chúng tôi gọi là “siêu tẩy”, nó độc lắm. Loại này thường được bán ở các sạp chuyên cung cấp hóa chất dùng trong dệt, nhuộm”. Đúng như người này nói, chúng tôi chạy sang một sạp hóa chất khác gần đó, thấy có bán chất vàng chanh này, với giá 800.000 đồng/kg. Nhưng chị bán cảnh báo ngay: “Chất này dùng trong tẩy trắng công nghiệp, chứ dùng trong thực phẩm là độc lắm đó nghen!”. Khi nghe chúng tôi nói mua hóa chất này về làm bún thì chị này nói với một người bán ở sạp bên cạnh rằng: “Bây giờ làm bún mà người ta dùng cả đến tinopal để tẩy trắng luôn kìa, ghê quá!”. Nói xong chị này quay qua phía chúng tôi: “Các anh mua thì tôi bán, chứ nghe về làm bún thì sợ quá. Thật tình, chính tôi đây, thấy cái gì trắng quá cũng sợ không dám ăn”.

Nhận định về hóa chất màu vàng chanh của người bán hóa chất ở chợ Kim Biên khớp với các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), hóa chất dạng bột có màu vàng chanh nói trên cũng giống với hóa chất các cơ sở sản xuất bún ở tỉnh Tây Ninh sử dụng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện (Báo Thanh Niên đã thông tin). Theo bác sĩ Ký, tinopal là chất tẩy trắng rất mạnh, thường được dùng trong công nghiệp, nó có tính ô xy hóa cao và rất hại cho cơ thể. Nếu sử dụng lâu dài, ảnh hưởng đến gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính, và còn là nguy cơ gây ung thư. Với hóa chất màu trắng dạng thuốc cốm, một chuyên gia của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM nhận định đây là chất chống mốc sodium benzoat - chất này không được phép sử dụng với nhóm tinh bột (trong đó có bún).

“Với bún làm lần đầu đã được sử dụng nhiều loại hóa chất rồi; đến bún tái chế họ còn sử dụng thêm hóa chất lần nữa để tẩy trắng, để làm mất mùi hôi, thì thật quá nguy hiểm”, bác sĩ Trần Văn Ký nói.

Theo Thanh Tùng - Công Nguyên - Hải Nguyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.