Kiev tăng cường phản công, quân đội Nga sẽ làm gì ở Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với việc Ukraine tiếp tục phản công mạnh mẽ, phản ứng của lực lượng Nga giờ đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các tướng lĩnh quân đội và có khả năng phụ thuộc vào tính toán chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Gần 7 tháng sau khi xung đột bùng phát, quân đội Ukraine – được trang bị vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp – tuyên bố đã đạt được một số thành công trong chiến dịch phản công ở Kharkov, Đông Bắc nước này. Ngày 10/9, lực lượng Nga quyết định rút khỏi Kharkov với lý do “dồn quân theo hướng Donetsk”.

Động thái rút lui nhanh chóng của quân đội Nga trước cuộc phản công của Ukraine đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây tin rằng Kiev thực sự có thể giành được một chiến thắng chiến lược.

Không giống với đợt rút lui khỏi khu vực Kiev hồi đầu năm, trong lần rút quân này, lực lượng Nga dường như đã bị phân tán, bỏ lại nhiều xe tăng và đạn dược.

Ben Hodges, một cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho biết: “Hiện còn quá sớm để nói về một cuộc diễu hành mừng chiến thắng ở Ukraine. Nhưng tôi nghĩ rằng người Ukraine đang đạt được những tiến bộ không thể đảo ngược, miễn là chúng tôi – phương Tây – tiếp tục gắn bó với họ.”

Với việc Ukraine tiếp tục phản công mạnh mẽ, phản ứng của lực lượng Nga giờ đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các tướng lĩnh quân đội và có khả năng phụ thuộc vào tính toán chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Foreign Policy (FP) đã phỏng vấn với hơn một chục chuyên gia, nhà phân tích quân sự, nhà ngoại giao ở Mỹ và châu Âu để tìm hiểu những kịch bản mà Nga có thể áp dụng ở Ukraine trong thời gian tới.

Mạnh tay hơn nếu có thể

Kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đến nay, các quan chức cấp cao ở Mátxcơva từng không ít lần nói bóng gió về kho vũ khí hạt nhân. Hầu hết các chuyên gia cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là rất khó xảy ra, mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Theo FP, nếu quân đội Nga quyết định kích nổ một đầu đạn hạt nhân nhỏ trên thực địa nhưng không thu lại kết quả như mong đợi, Điện Kremlin sẽ đánh mất mối đe dọa cuối cùng của mình trước Ukraine, đồng thời gây chấn động thế giới và thay đổi nước Nga chỉ sau một đêm.

“Vấn đề của Nga là các mục tiêu và chiến lược tổng thể của họ đã không còn thực sự có nhiều ý nghĩa kể từ tháng 4”, Rob Lee – thành viên Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại (Mỹ) cho biết. “Kể từ đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Nga chấm dứt xung đột, và có vẻ như họ chỉ đơn giản là hy vọng Ukraine đầu hàng ở một thời điểm nào đó, hoặc sự hỗ trợ của nước ngoài cạn kiệt.”

Tổng động viên

Đến thời điểm hiện tại, Điện Kremlin vẫn chưa ban hành lệnh tổng động viên, dường như vì lo ngại việc đó có thể kích động làn sóng phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Có những đối tượng khá dễ huy động. Nhưng nếu huy động con trai của các gia đình thượng lưu, thành thị, những người có học thức…, thì có khả năng sẽ hình thành làn sóng phản đối”, FP nhận định.

Ngay cả khi Điện Kremlin tuyên bố tổng động viên, thì việc huấn luyện các tân binh cũng sẽ mất tới vài tháng.

Các quan chức Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Putin đang rơi vào thế khó vì Mátxcơva vẫn chưa chính thức tuyên chiến với Ukraine, mà chỉ nhấn mạnh rằng họ đang tiến hành một "hoạt động quân sự đặc biệt" để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở khu vực Donbass.

Trong khi đó, “hệ thống chính trị, các doanh nghiệp… khi thấy những gì đang diễn ra, có thể họ sẽ muốn Nga tuyên bố tổng động viên thay vì chịu thua trong cuộc xung đột này”, Tatiana Stanovaya, một nhà phân tích chính trị, người sáng lập công ty tư vấn R.Politik cho biết. "Cuộc sống của họ, sự nghiệp tương lai và sự an toàn của họ đang bị đe dọa."

Dập tắt làn sóng chỉ trích

Khi Nga trải qua những bước lùi trong chiến dịch quân sự, Tổng thống Nga Putin có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức không chỉ từ phe phản đối xung đột (cánh tả) mà còn từ phe chủ nghĩa dân tộc (cánh hữu).

Các nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc của Nga đã bắt đầu công khai chỉ trích chính phủ về những gì xảy ra ở Ukraine. Họ công kích Chính phủ Nga vì đã không tuyên bố tổng động viên để tiến hành một đợt tiến công tổng lực ở Ukraine.

Tatiana Stanovaya cho biết để đối phó với làn sóng chỉ trích này, Điện Kremlin dường như đang sử dụng phương pháp cây gậy và củ cà rốt. Những người trung thành với Điện Kremlin như Tổng biên tập Margarita Simonya của RT đã kêu gọi giữ bình tĩnh, trong khi người phát ngôn của Điện Kremlin dường như đã đưa ra lời cảnh báo đối với các nhà phê bình vào hôm thứ Ba, khi tuyên bố rằng ranh giới giữa những lời chỉ trích hợp pháp và bất hợp pháp là “rất rất mỏng”.

Kiên trì chiến đấu và hy vọng châu Âu từ bỏ

Một kịch bản khác mà ông Putin có thể áp dụng, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, chỉ đơn giản là tiếp tục chiến dịch với quân đội mà ông đang có trong tay, ít nhất là cho đến khi bước vào mùa Đông.

Chiến lược này sẽ không thể giúp Nga giành chiến thắng – điều mà hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng đang trở nên xa vời – nhưng nó có thể đủ để ngăn không cho Ukraine giành lợi thế trong năm nay.

“Sẽ rất khó để Nga xoay chuyển tình thế ở Ukraine”, Hodges - cựu quan chức quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết. “Nga có nhiều vấn đề mà không thể khắc phục chỉ bằng cách thay đổi chỉ huy quân đội.”

Trong suy nghĩ của Tổng thống Putin, thời gian dường như đang đứng về phía ông khi Mátxcơva đang cố gắng làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.

Nga đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ cắt xuất khẩu khí đốt sang châu Âu khi mùa Đông đến, một động thái nhằm làm suy yếu sự ủng hộ ở châu Âu đối với Kiev và gây áp lực buộc một số nhà lãnh đạo châu Âu thúc đẩy Ukraine tiến hành một cuộc đàm phán nhanh chóng để chấm dứt xung đột.

Một “lá bài” mà Tổng thống Putin vẫn chưa sử dụng, theo một chuyên gia, là chờ đến hết mùa Đông. “Chúng tôi cho rằng Điện Kremlin đang chờ xem tác động của mùa Đông đối với sự hỗ trợ của châu Âu cho Kiev”.

Một số chuyên gia Ukraine cũng tin rằng Tổng thống Putin có thể đang chuẩn bị thực hiện một đợt tiến công mới vào mùa Xuân.

“Tổng thống Putin thực sự nghĩ rằng cả châu Âu và Ukraine sẽ không thể sống sót qua mùa Đông này”, Alyona Getmanchuk, người sáng lập và giám đốc Trung tâm Châu Âu Mới, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại có trụ sở tại Kiev, cho biết. “Người Nga có thể đang nghĩ rằng: giờ chúng tôi rút quân, nhưng chúng tôi sẽ trở lại vào mùa xuân và mọi thứ sẽ khác."

Theo FP
MỚI - NÓNG