Kiều bào và chuyện hàng chục tỷ USD chất xám lưu lạc

Kiều bào và chuyện hàng chục tỷ USD chất xám lưu lạc
Việt Nam là một trong số ít quốc gia thường niên tổ chức được hoạt động dành cho kiều bào ở nước ngoài về quê ăn Tết và vì thế, chương trình gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương” giờ đây đã trở thành một điểm hẹn, cây cầu nối giữa những người con xa quê với đất mẹ.

> Chính sách thu hút chất xám kiều bào vẫn chậm
> Những đại gia Việt kiều nổi danh thế giới

Sự kiện cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, đằng sau mỗi buổi gặp mặt, giao lưu đó vẫn còn nhiều trăn trở của cả người trong nước lẫn người xa quê.

Đặc biệt, với những người "trong cuộc" như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn thì tâm tư càng "nặng" hơn.

Làm sao để phát huy nguồn lực có thể coi là khổng lồ từ cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào về phát triển đất nước luôn là câu hỏi không mới nhưng cũng chưa từng được giải đáp thấu đáo.

Từ hàng chục tỷ USD chất xám… lưu lạc

Làm thế nào thu hút được lượng trí thức, doanh nhân kiều bào về nước, tối đa hóa được lợi ích từ nguồn lực này… là vấn đề rất lớn và quan trọng với quốc gia. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết vấn đề nay sẽ được quyết liệt thực hiện trong năm 2013 này.

Bởi trong số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều nhà khoa học, đó là nguồn chất xám, tiềm năng to lớn chưa được khai thác. Thực tế, số các giáo sư, nhà khoa học về hoạt động trong nước mới chỉ có một số ít có thể đếm trên đầu ngón tay và tham gia một số dự án khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp, y học, khoa học công nghệ cao, giáo dục đào tạo.

Một nguyên nhân quan trọng cửa thực trạng này chỉ ra là do Nhà nước chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, động viên khuyến khích được những nỗ lực, nhiệt huyết của kiều bào ở nước ngoài.

“Chúng ta vẫn chưa coi trọng một số ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Thậm chí, có những cá nhân nếu làm việc ở nước ngoài nhận lượng 10.000 USD/tháng nhưng sẵn sàng về nước làm chỉ với mức 5.000 USD/tháng, số còn lại coi như tình yêu họ dành cho đất nước, thế nhưng chúng ta vẫn chưa đáp ứng được,” ông Sơn thừa nhận.

Theo ông Sơn, kho tàng chất xám nằm trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nếu tranh thủ tận dụng được để đưa về quê hương đất nước thì có thể "định giá" bằng hàng chục tỷ USD.

Ông Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng kể lại một kỷ niệm trong chuyến sang Mỹ hồi tháng 10-2012. Khi đó, ông được gặp ba chục chuyên gia trí thức người Việt ở Trung tâm vũ trụ NASA, trong đó có khoảng 10 người gần 40 năm nay chưa về Việt Nam.

Gặp gỡ, chia sẻ để hiểu rằng, những trí thức vẫn đang “lưu lạc” phương xa chưa có dịp về thăm quê mẹ vì họ quá bận với công việc chuyên môn khoa học của mình. “Trước kia họ sang Mỹ học tập rồi vì những biến cố chính trị mà phải ở lại chứ tâm lý chung đều rất muốn về Việt Nam,” tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn nói.

Cũng chính vì thế, theo ông Sơn đánh giá “Xuân Quê hương” là chương trình được kiều bào ta ở nước ngoài rất quan tâm theo dõi. Bởi họ thấy một chương trình dành cho kiều bào mà được Chủ tịch nước, phu nhân rồi nhiều các vị lãnh đạo cấp cao tới dự, phát biểu chúc Tết thì đấy là sự quan tâm mà ở các quốc gia khác ít có.

Đến những công trình "để đời"

Dù chưa thu hút được nhiều nhưng thực tế những năm qua đã cho thấy vai trò đóng góp quan trọng của nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển chung của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, trí thức kiều bào đóng góp cho lĩnh vực giao thông, hoàn thiện hạ tầng đường xá, hệ thống thoát nước và điện ngầm, làm sao cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không bị ngập úng sau những trận mưa vừa phải, thêm cầu vượt cho các ngã tư đỡ tắc… Những lĩnh vực này cần được đầu tư trước rồi mới nên tính tới làm đường tàu cao tốc.

Các ý kiến đóng góp như vậy của các chuyên gia, trí thức kiều bào đã bắt đầu dần được người “trong nhà” lắng nghe Và nguồn lực xa quê này không chỉ tích cực tham vấn mà còn bắt tay vào thực hiện các dự án đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, rằng các dự án đầu tư về trong nước của bà con kiều bào còn gặp nhiều khó khăn.

“Chủ trương chính sách của chúng ta thì rất tốt, rất thoáng nhưng khi về tới các địa phương, nơi các dự án được triển khai, như dự án may mặc ở Hải Dương, dự án đào tạo của một Việt kiều Canada ở Hưng Yên, dự án về các công trình du lịch ở Đà Lạt… dù đã thành công nhưng trước đó đã phải trải qua muôn vàn khó khăn,” ông Sơn nói.

Cá biệt như dự án resort 5 sao Đà Lạt Eden của một Việt kiều Đức về nước bỏ 100% vốn đầu tư mới khai trương năm ngoái. Có thể nói đây là một công trình “đến nhà nước cũng không làm được” như ông Sơn đánh giá, lại phải đối mặt với nhiều khó khăn do tỉnh gây ra như cắt điện, không cho làm đường, các yêu cầu thủ tục giấy phép phức tạp.

Cuối cùng thì công trình cũng đã được khai trương, chứng tỏ quyết tâm của doanh nhân Việt kiều muốn đầu tư xây dựng, đóng góp cho quê hương một khu nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Và không chỉ vậy, cả hệ thống hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng có quy mô từ Bắc vào Nam ở Việt Nam toàn bộ là của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư xây dựng, trước là Cáp treo Bà Nà ở Đà Nẵng, Vinpearl Land Nha Trang… nay có thêm Đà Lạt Eden ở Lâm Đồng.

Thực tế này đang ngày càng đặt ra nhu cầu cấp bách phải hành động nhanh chóng để tận dụng nguồn lực tài chính và tri thức của cộng đồng kiều bào vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Chi Lê
Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG