Kiệt sức sau bão

Một nữ giáo viên ở Quảng Bình lục tìm trong đống đổ nát được một ít sách báo ướt mèm.
Một nữ giáo viên ở Quảng Bình lục tìm trong đống đổ nát được một ít sách báo ướt mèm.
TP - Bão số 10 đi qua với sức gió giật cấp 15, để lại cho Quảng Bình một đống hoang tàn, đổ nát, nhiều  nhà cửa chỉ còn lại đống gạch vụn trộn lẫn với bùn đất nhão nhoét, nhiều ngôi trường chỉ còn trơ trọi 4 bức tường...

Bão vùi nhiều mảnh đời bất hạnh

Một ngày sau bão, sâu trong thôn Trung Minh, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, bà Đặng Thị Khuê (60 tuổi), ngồi trên chiếc giường gãy kê sát bức tường còn lại của ngôi nhà, mân mê bức ảnh của người con gái đang tha hương kiếm tiền nuôi mẹ. Vương vãi trong đống vôi vữa là những hạt gạo lấm lem bùn đất mà bà vừa mới mua cách đây mấy ngày, dự trữ cho những ngày mưa bão.

Bà Khuê thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn. Ngôi nhà mới bị bão đánh sập được làng xóm gom góp dựng cho cách đây 10 năm. Bão vào, bà chạy sang nhà hàng xóm trú ẩn mới bảo toàn được tính mạng. “Miếng ăn, chỗ nằm của tui giờ cũng phải nhờ vào bà con chòm xóm. Con gái thì ở xa, làm thuê, làm mướn cũng chỉ đủ nuôi nó, nuôi mẹ qua ngày. Nhà sập rồi, tui không biết bấu víu vô mô để có thể dựng lại” - bà Khuê ứa nước mắt.

Huyện Quảng Trạch được xác định là nơi tâm bão số 10 đi qua, có những luồng gió giật đến cấp 15. Ở xã Quảng Châu có 20 ngôi nhà bị đổ sập, hầu hết nhà ở, trường học, công sở bị tốc mái. Chủ tịch xã Quảng Châu Đàm Xuân Vinh cho biết: Những gia đình có nhà bị sập hầu hết thuộc diện khó khăn, xã cũng khó khăn, chưa biết lấy nguồn đâu để hỗ trợ dựng nhà cho người dân.

Ở thôn Vĩnh Sơn, thuộc xã Quảng Đông, bà Trần Thị Nhị lúi húi lật tìm trong đống đổ nát xem còn viên ngói nào lành lặn để lợp lại mái nhà. Bà Nhị 55 tuổi, không chồng, đứa con trai duy nhất được bà xin về nuôi từ hồi còn đỏ hỏn.

Bão vào, hai mẹ con chui xuống gầm giường, ngói bay rào rào trên đầu. Sau bão ngôi nhà cấp 4 của bà chỉ còn lại bộ khung. “Làng xóm ai cũng bị thiệt hại, nên không thể giúp nhau được nhiều, chỉ biết hỏi thăm, động viên nhau vượt qua khó khăn. Chú coi, cả hai mái ngói, rứa mà bão quật chỉ còn lại vài viên lành lặn. Tui với thằng cu lượm lặt lại chỉ lợp được một góc nơi đặt chiếc giường để tránh mưa, tránh nắng trước mắt” - bà Nhị nói.

Cụ bà Trần Thị Mẫn ngồi thẫn thờ trong ngôi nhà tốc mái, ứa hai hàng nước mắt nói: “Tui là gia đình liệt sĩ, sống một mình, bão vào không kịp chạy, gió càn, thổi ngói bay nghiêng ngã, chừ mọi thứ ướt sạch, lúa gạo, khoai sắn bay tung tóe. Tui già rồi không làm chi được, chừ ai cũng bận, chắc là mấy hôm nữa làng xóm mới đến giúp được. Nhà tui rứa là may chỉ bị bay ngói, chứ nhiều nhà trong làng bị sập, không còn chỗ để ở”.

13 người chết, mất tích, trên 150.000 nhà bị tốc mái

Ngày 17/9, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 17/9, bão đã làm 9 người chết, tăng 5 người so với trước đó (Hòa Bình 3 người, Thanh Hóa 2 người, Nghệ An 1 người, Quảng Bình 2 người và Thừa Thiên-Huế 1 người). Đến nay vẫn còn 4 người mất tích ở Quảng Bình; số người bị thương lên đến trên 110 người (Quảng Bình 89 người, Quảng Trị 10 người, Hà Tĩnh 9 người...).

Con số thống kê mới nhất cũng cho thấy, số nhà bị tốc mái, bị sập, ngập đã tăng mạnh, đặc biệt con số thiệt hại ở Quảng Bình. Trong số hơn 152.500 nhà bị tốc mái, Quảng Bình chiếm tới gần 80.000, Hà Tĩnh 70.000 nhà... Bão cũng làm đổ gần 1.560 cột điện hạ thế, trong đó Quảng Bình gần 1.450 cột...Trong số 1,3 triệu khách bị mất điện do bão, đến nay, vẫn còn gần 530.000 khách hàng chưa được cấp điện trở lại, trong đó có thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bão đánh chìm 7 tàu cá, trên 180 thuyền nhỏ bị chìm, cuốn trôi, chủ yếu là ở Quảng Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế; gần 4.500 ha lúa; 8.300 ha màu bị ngập; hơn 16.000 ha thủy sản bị thiệt hại…

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, các địa phương tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở, không để người dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống, vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh; sửa chữa trường học, cơ sở hạ tầng; kịp thời hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, cơ số thuốc cần thiết để sớm ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất. Cùng đó, hiện nguy cơ sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ như: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên và Thanh Hóa, Nghệ An, nên các địa phương cần có giải pháp ứng phó.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến ngày 18/9 đã khôi phục cấp điện lại cho toàn bộ 100% phụ tải của tỉnh Thanh Hóa và gần 100% phụ tải của tỉnh Nghệ An. Tỉnh Hà Tĩnh đã khôi phục cung cấp điện được khoảng 85% phụ tải trong khi tỉnh Quảng Bình đã khôi phục cung cấp điện được khoảng 50% phụ tải.

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê huyện Vĩnh Linh chưa được khôi phục cấp điện do nước còn ngập, chưa tiếp cận được hiện trường. Còn 33 trạm biến áp và 2.010 khách hàng mất điện. 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.