Kiên quyết thu hồi dự án 'treo'

Kiên quyết thu hồi dự án 'treo'
Ngày 26-2, Sở Tài Nguyên - Môi Trường TP.HCM làm việc với lãnh đạo các quận, huyện để góp ý phương án xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP.

Kiên quyết thu hồi dự án 'treo'

> TP HCM sắp trảm dự án bất động sản treo
> Yêu cầu thu hồi hơn 23.000m2 cấp cho dự án 'treo'
> Nhiều đại gia bất động sản bị truy thu tiền

Ngày 26-2, Sở Tài Nguyên - Môi Trường TP.HCM làm việc với lãnh đạo các quận, huyện để góp ý phương án xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP.

Nhiều dự án không khả thi, thời gian triển khai kéo dài đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, lãng phí quỹ đất. Ảnh: Đình Sơn
Nhiều dự án không khả thi, thời gian triển khai kéo dài đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, lãng phí quỹ đất. Ảnh: Đình Sơn.

Theo đại diện Sở TN-MT, sau khi rà soát có 48 dự án nằm trong diện phải thu hồi (30 dự án nhà ở và 18 dự án sản xuất kinh doanh) đã bồi thường được dưới 50% diện tích. Những dự án này sẽ chấm dứt không gia hạn đầu tư và sẽ công khai vào cuối quý I-2013.

Ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho rằng những dự án bồi thường dưới 80% diện tích, nên để doanh nghiệp (DN) bồi thường đến đâu cho thực hiện dự án đến đấy. Những dự án đã bồi thường trên 80% diện tích, TP cho huyện cưỡng chế nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch UBND Q.2, cũng cho rằng đối với dự án chấp thuận địa điểm đầu tư phải xem xét quy mô từng dự án, bởi đa phần diện tích đất chưa bồi thường được tại các dự án là xương xẩu, với số tiền rất lớn. Thậm chí nhiều dự án đã bồi thường được 80-90%, phần còn lại không giải tỏa được, khiến dự án và cả đô thị đứng luôn. “Chủ đầu tư đã nỗ lực hết sức nhưng có những dự án họ thỏa thuận không được. Nếu có thể, nên xem xét cho DN điều chỉnh lại quy mô dự án. Những dự án người dân chịu di dời, nhưng chủ đầu tư không có tiền đền bù thì nên thu hồi”, ông Hưng kiến nghị.

Thủ tục hành doanh nghiệp

Giám đốc một DN có dự án nằm trong diện bị “xử lý” nói rằng, dự án của DN ông chậm không phải vì không làm mà người dân không chịu nhận tiền đền bù, nhiều hộ đòi giá trên trời, phi lý, DN không thể đền bù nổi. Bên cạnh đó, bình quân một dự án phải mất 3-4 năm mới xong thủ tục hành chính; thậm chí có những công đoạn không xác định được thời gian.

Ông Võ Tấn Thành, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Phát Đạt, cũng phản ánh một dự án từ lúc thuận chủ trương đến khi ra giấy phép xây dựng có quá nhiều thủ tục, quy định; mỗi một công đoạn mất trung bình 4-6 tháng, chưa kể nhiều công đoạn không biết thời gian bao lâu. Do đó, chỉ tính riêng thủ tục hành chính đã kéo dài 3-5, thậm chí có dự án đến 7 năm.

Theo Trưởng ban Quản lý khu Nam Trương Văn Lắm, đối với những dự án từ 5-10 ha, nếu yêu cầu bồi thường trong vòng 1 năm như hiện nay là không tưởng. Vì vậy, cần xem xét lại cụ thể từng dự án, xác định lỗi do ai. Nếu do chủ đầu tư thì mới xử lý được, nếu không DN sẽ quay lại kiện chính quyền.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT, khẳng định đã đến lúc phải kiên quyết xử lý các dự án vi phạm về tiến độ, phải có điểm dừng để tránh việc “các địa phương cứ liên tục đưa lên các “trường hợp đặc biệt” để xin gia hạn thì… nguy”. Tuy nhiên, TP sẽ xử lý có tình, có lý, DN nào tốt thì TP sẽ hỗ trợ, chây ì sẽ phải xử lý, khôi phục lại quyền lợi cho người dân. “Nếu DN thấy mình yếu quá, không có khả năng thì bán đi để DN khác mạnh hơn làm, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Lần này TP sẽ kiên quyết cắt dự án treo”, ông Kiệt kiên quyết.

Liên quan đến băn khoăn của nhiều DN là nếu bị thu hồi thì phần diện tích đã bồi thường cùng rất nhiều những chi phí không tên khác sẽ được tính thế nào, một lãnh đạo Sở TN-MT cho biết với những dự án nằm trong đợt “thanh lọc” lần này, nếu nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục triển khai dự án sẽ phải lập thủ tục đầu tư dự án lại từ đầu theo Nghị định 71 hoặc TP sẽ chọn chủ đầu tư mới bằng hình thức đấu thầu. Khi đó nhà đầu tư mới sẽ hoàn trả lại các chi phí cho chủ đầu tư cũ.

Trong trường hợp không chọn được nhà đầu tư mới và chủ đầu tư cũ không thể tiếp tục triển khai, dự án sẽ hủy, trả lại quyền lợi cho người dân (người dân được thực hiện các quyền chuyển nhượng, xây dựng, làm chủ quyền…- PV). Phần đất mà DN đã đền bù sẽ thuộc quyền sở hữu của DN, giống như những hộ dân trong dự án.

Khoảng 300 dự án sẽ được gia hạn

Theo Sở TN-MT, trong lần này có khoảng 300 dự án sẽ được gia hạn 1 lần cuối đến hết năm 2013. Những dự án này sẽ giao về UBND quận, huyện theo dõi, giám sát để có hướng xử lý tiếp. Đối với các dự án công ích phục vụ dân sinh, dùng vốn ngân sách, giao quận huyện rà soát, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ. Những dự án không còn cần thiết, hợp lý... địa phương đề xuất để hủy.

Theo Đình Sơn
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.