Kiên quyết không để lây lan, bùng phát dịch bệnh

Ngày 14/2/2014, bệnh nhân Bo Bo Thị Xuất được các bác sĩ điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Ngày 14/2/2014, bệnh nhân Bo Bo Thị Xuất được các bác sĩ điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
TP - Sáng 23/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và lãnh đạo 63 tỉnh thành về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù khó khăn nhưng cần làm quyết liệt để dịch bệnh không xâm nhập, lây lan và bùng phát.

Nhiều chủng virus cúm rình rập

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, mặc dù Việt Nam chưa có trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người, nhưng nguy cơ virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam là rất lớn.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, rất sớm trong thời gian tới có thể Việt Nam sẽ ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận virus trên các đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người.

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả giám sát và chủ động xét nghiệm hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng thời gian qua, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. 

Bên cạnh đó kết quả xét nghiệm gần 20 nghìn mẫu gia cầm lấy tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh thành phía Bắc đều âm tính với virus cúm A/H7N9. Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. 

Theo đại diện Bộ NN&PTNT một trong những khó khăn hiện nay là virus cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm, chưa có vắc-xin phòng bệnh nên gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, giám sát virus và ứng phó.

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Việc khống chế dịch cúm trên gia cầm có ý nghĩa quyết định đối với phòng chống dịch cúm trên người”. Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây sẽ có 5 đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư ở những tỉnh có biên giới đường bộ, hàng không, đường sắt có khả năng nhập gia cầm.

Tiêm phòng di động ngừa bệnh sởi

Liên quan đến dịch sởi đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nên khôi phục và duy trì hình thức tiêm phòng di động, đưa vắc-xin đến từng thôn bản, thậm chí từng nhà dân ở vùng sâu, vùng xa để tiêm cho trẻ em.

Kiên quyết không để lây lan, bùng phát dịch bệnh ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh

Bộ Y tế nhận định sởi là bệnh lành tính nhưng nếu chủ quan, tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao. Ông Trần Đắc Phu cho biết, nguyên nhân xảy ra dịch sởi, ngoài chu kỳ 3 đến 5 năm lại tái diễn còn do ở vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phái Bắc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. 

Nhằm kiểm soát dịch sởi, khống chế dịch sởi, giảm số ca mắc và biến chứng do sởi, từ nay đến tháng 4/2014, Bộ Y tế sẽ triển khai Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi trên toàn quốc.

Theo đó, đối tượng tiêm vắc-xin sởi đợt này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo quy định. Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đợt này sẽ tiêm vắc-xin sởi cho hơn 95% các đối tượng nêu trên. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, từ việc bùng phát dịch sởi năm nay do tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi đạt thấp đó là tích tụ của nhiều năm gần đây còn là minh chứng cho thấy khi người dân lơ là, không đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ thì hậu quả của những năm sau là dịch bệnh sẽ bùng phát, thậm chí còn gây hậu quả nặng nề. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh cho báo chí để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh hiệu quả.

Về phòng chống dịch cúm ở người, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là mà cần phải vào cuộc quyết liệt.

17 tỉnh thành có dịch cúm gia cầm

Chiều 23/2, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước còn 53 ổ dịch cúm gia cầm H5N1(85 hộ chăn nuôi) tại 17 địa phương, chưa có phát sinh ổ dịch mới so ngày 22/2.

Các tỉnh có dịch là Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa). Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết gần 55.500 con. Phạm Anh

Để ngăn chặn nguy cơ này đại diện hai ngành Y tế và Nông nghiệp cho biết đang tập trung mở rộng diện giám sát virus cúm A/H7N9 trên cả người lẫn gia cầm tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại khu vực biên giới.

Ngành y tế đã tăng cường giám sát tại các cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa, để phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H7N9, chú ý giám sát các cá nhân đi từ vùng có trường hợp mắc. Hiện nay hai phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur TPHCM đã được nâng cấp, có thể xét nghiệm, phát hiện được các chủng virus cúm A/H5N1, A/H7N9.

Bộ Y tế cũng tăng cường năng lực xét nghiệm, xác định virus cúm cho các Viện, bệnh viện tuyến T.Ư trong trường hợp cần mở rộng chẩn đoán xác định…

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.