Kiên quyết đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền

Lực lượng Vùng CSB 2 là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Thành
Lực lượng Vùng CSB 2 là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Trước tình trạng tàu cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm trái phép chủ quyền biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) thuộc Vùng Cảnh sát biển 2 đang tăng cường công tác tuần tra trên biển miền Trung, đẩy đuổi nhiều đợt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

> Bắt tàu buôn lậu dầu

Lực lượng Vùng CSB 2 là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Thành
Lực lượng Vùng CSB 2 là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân.     Ảnh: Nguyễn Thành.

Lật lọng và xuyên tạc

Vùng Cảnh sát biển 2 phụ trách tuần tra kiểm soát một khu vực biển dài khoảng 720km gồm bờ biển và vùng biển ngoài khơi với phạm vi từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định).

Đây là khu vực thường xảy ra nhiều giông bão và là ngư trường làm ăn của hàng ngàn ngư dân miền Trung, cũng là khu vực tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam.

Trung tá Lê Trọng Phổ, Chủ nhiệm chính trị Vùng CSB 2, cho biết: “Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp trước những hành động ngang ngược từ phía Trung Quốc, lực lượng CSB luôn trong tư thế sẵn sàng cơ động để thực hiện nhiệm vụ đẩy đuổi tàu Trung Quốc khi phát hiện xâm phạm lãnh hải”.

Theo Trung tá Phổ, phía Trung Quốc đang ngày càng xuyên tạc và cổ vũ ngư dân nước họ xâm phạm chủ quyền, làm phức tạp thêm vấn đề Biển Đông, cố tình biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp, do đó lực lượng CSB phải tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo vệ ngư dân Việt Nam, đẩy đuổi tàu Trung Quốc.

Tình hình càng phức tạp hơn sau khi Trung Quốc hết ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, lại thành lập cái gọi là TP Tam Sa, cố tình xuyên tạc sự thật để đánh lừa dư luận Trung Quốc và thế giới.

Điển hình là vụ việc phía Trung Quốc đưa ra hình ảnh và cho rằng “tàu Trung Quốc đuổi tàu CSB Việt Nam”. Theo Trung tá Phổ, sự thật hoàn toàn không phải như vậy.

Trước đó, tàu Công vụ của CSB phát hiện 4 tàu Trung Quốc ở khu vực tiếp giáp lãnh hải, tàu công vụ CSB tiếp cận để giám sát. Hành trình theo dõi kéo dài hơn 80 hải lý khi đến vùng biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý, thấy tàu Trung Quốc chưa vi phạm, tàu công vụ CSB quay lại, lập tức, phía Trung Quốc quay hình và xuyên tạc rằng Tàu CSB “bỏ chạy” (!).

“Cảnh sát biển có đầy đủ chứng cứ chứng tỏ Trung Quốc cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật. Không hề có chuyện như phía Trung Quốc đã đưa ra” - Trung tá Phổ khẳng định.

Phóng viên được lãnh đạo Vùng CSB 2 cho xem nhiều đoạn clip mà tàu CSB ghi lại được, chứng tỏ Trung Quốc xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn. Trong đó, có một số đoạn, tàu quân sự Trung Quốc bỏ chạy khi thấy tàu CSB.

Từ đầu năm đến nay, Vùng CSB 2 đã đẩy đuổi thành công nhiều vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển. Đầu tháng 8, từ khi phía Trung Quốc bỏ lệnh cấm biển, các tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, thậm chí cách đảo Lý Sơn chỉ có 30-45 hải lý.

Các tàu cá Trung Quốc xâm phạm thường đi thành nhóm 18-30 chiếc, đánh bắt theo hình thức hủy diệt, và có xu hướng liều lĩnh, ngoan cố hơn trước.

“Từ đầu năm đến nay, Vùng CSB 2 mỗi tháng xua đuổi vài ba chục lượt tàu Trung Quốc xâm phạm. Để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc xâm nhập, Vùng đã tăng cường lực lượng, huy động toàn bộ tàu CSB luân phiên tuần tra kiểm soát bảo vệ vùng biển. Tàu cá Trung Quốc thường tháo chạy khi thấy lực lượng CSB xuất hiện” - lãnh đạo Vùng CSB 2 cho biết.

Đưa máy bay tuần thám vào bảo vệ chủ quyền biển

Một tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển bị tàu CSB đẩy đuổi Ảnh: Vùng CSB 2 cung cấp
Một tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển bị tàu CSB đẩy đuổi.  Ảnh: Vùng CSB 2 cung cấp.
 

Theo trung tá Phổ, lực lượng CSB có đủ sức bảo vệ, ngăn cản tàu cá Trung Quốc xâm nhập. Đến nay, đơn vị chưa huy động hết lực lượng ra biển thực thi công tác, dù phương tiện thiết bị ngày càng hiện đại.

Tàu CSB được trang bị hệ thống ra đa phát hiện mục tiêu từ rất xa với tầm hiệu quả trên 100km, cùng lúc phát hiện và theo dõi 10 mục tiêu trên biển. Tàu CSB luôn sẵn sàng nhiên liệu, lương thực đủ hoạt động trên biển 45 ngày. Các tàu sẵn sàng rời bến ngay khi có lệnh.

“Sắp tới lực lượng CSB sẽ có máy bay tuần thám tham gia tuần tra trên biển” - Trung tá Phổ cho biết. CSB cũng sẽ xây dựng trạm CSB trên các đảo trọng yếu để phối hợp máy bay tuần thám xử lý tàu nước ngoài xâm nhập. Các trạm và máy bay tuần thám cũng sẽ góp phần hỗ trợ, khẩn cứu ngư dân và tàu gặp nạn trên biển.

Khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm, ngư dân liên hệ với CSB qua tần số liên lạc: Đài canh số 1: Vùng CSB 2 – Ba Vì 02 tần số 7.325Khz; Đài canh số 2: Vùng CSB 2 – Ba Vì 02 có tần số ban ngày là 9.339Khz và tần số ban đêm 6.973Khz. Trong đó, mùa hè sóng ngày hoạt động từ 6h – 20 h và sóng đêm là 20h – 6 h sáng hôm sau. Vào mùa đông, sóng ngày hoạt động từ 8h – 18h và sóng đêm từ 18h – 8h.

Nguyễn Thành

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG