Kiến nghị rót thêm 700 tỷ đồng cho cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

TPO - Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, nguồn vốn bố trí cho xây lắp của dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ năm 2021 khoảng 500 tỷ đồng, trong khi nhu cầu giải ngân xây lắp năm 2021 là khoảng 1.200 tỷ đồng...

Ngày 19/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 22,97km, đi qua địa bàn các huyện Bình Tân, Long Hồ, thị xã Bình Minh và thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp).

Kiến nghị rót thêm 700 tỷ đồng cho cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ảnh 1 Đoàn công tác Bộ GTVT tại hiện trường dự án. Ảnh: TC

Dự án có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, không có làn dừng xe khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 2.638 tỷ đồng; chi phí thiết bị 118 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) 1.559 tỷ đồng; chi phí dự phòng 319 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 190 tỷ đồng.

Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý là Ban QLDA Mỹ Thuận. Khởi công ngày 4/1/2021, cơ bản hoàn thành năm 2022 và hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.

Việc bàn giao mặt bằng đã thực hiện được 18,3km, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục để hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao phần mặt bằng còn lại trong quý I/2021. Đặc biệt, cần đẩy nhanh thủ tục và công tác chi trả để sớm nhất bàn giao mặt bằng của 2,57km qua TP Vĩnh Long.

Đối với nguồn cung cấp vật liệu (cát, đá, đất đắp bao), Bộ GTVT có ý kiến với các địa phương lân cận dự án (tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre) ưu tiên các nguồn vật liệu, cung cấp cho dự án để đáp ứng tiến độ.

Kiến nghị rót thêm 700 tỷ đồng cho cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ảnh 2 Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ kết nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ. Ảnh: CK

Cũng theo Ban QLDA Mỹ Thuận, nguồn vốn bố trí cho xây lắp năm 2021 khoảng 500 tỷ đồng, trong khi nhu cầu giải ngân xây lắp năm 2021 là khoảng 1.200 tỷ đồng, đề nghị Bộ GTVT ưu tiên điều chuyển, bố trí thêm cho dự án khoảng 700 tỷ đồng để bảo đảm tiến độ thi công.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Dự án này Thủ tướng đã cam kết trước Quốc hội, là chúng ta phải hoàn thành năm 2022. Tôi đề nghị Ban QLDA và các nhà thầu phải theo dõi tiến độ hàng tuần, bất cứ hạng mục nào chậm thì tuần tiếp theo phải bù lại, bà con ĐBSCL rất mong mỏi. Hiện nay tiền đã bố trí đầy đủ, chắc chắn là không thiếu, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm với ĐBSCL và với cả nước, để hoàn thành công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng.”

Ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận hứa sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVGT, sẽ chỉ đạo toàn bộ lực lượng bám sát công trường, thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng, hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp để giải quyết các vướng mắc trong GPMB, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trong suốt thời gian thi công dự án.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.