Kiến nghị làm bằng được đường sắt tốc độ cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ông ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đi lại khó khăn, kết nối đường bay cũng khó, các địa phương phải theo trục kéo dài liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông đường bộ, nhưng muốn phát triển du lịch nhanh hơn nữa phải có đường sắt cao tốc, có các đoạn tuyến.

Ngày 1/8, tại Đà Nẵng, diễn ra buổi làm việc của đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Kiến nghị làm bằng được đường sắt tốc độ cao ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hiền.

Ông Nguyễn Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - cho rằng cần xây dựng bằng được đường sắt tốc độ cao để giảm bớt áp lực giao thông, kết nối nhanh các địa phương, đặc biệt sẽ thúc đẩy du lịch rất lớn.

“Đường sắt tốc độ cao là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc kết nối các địa phương, nhất là các trung tâm du lịch. Nếu xây dựng được đường sắt cao tốc sẽ tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế, du lịch các địa phương, thuận lợi điều tiết nhân lực từ vùng này sang vùng khác”, ông Lưu nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đề xuất trong nhiệm kỳ tới Quốc hội cần cho chủ trương phát triển đường sắt tốc độ cao liên kết các địa phương trong vùng.

Theo ông Quảng, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đi lại khó khăn, kết nối đường bay cũng khó, các địa phương phải theo trục kéo dài liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông đường bộ, nhưng muốn phát triển du lịch nhanh hơn nữa phải có đường sắt cao tốc, có các đoạn tuyến.

“Vừa rồi chúng ta đã có một bài học rất rõ, khi máy bay khó khăn, du lịch của chúng ta phát triển được nhờ đưa đón hành khách bằng đường sắt; hay như việc mở tuyến tàu di sản kết nối giữa Đà Nẵng và Huế. Đây là bài học cho chúng ta thấy cần thiết mở tuyến đường sắt tốc độ cao”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đơn cử.

Kiến nghị làm bằng được đường sắt tốc độ cao ảnh 2

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần phát triển du lịch nhanh hơn nữa. Ảnh: Thanh Hiền.

Đại diện các tỉnh thành khác cũng cũng bày tỏ mong muốn có đường sắt tốc độ cao bên cạnh làm cao tốc đường bộ.

Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà nêu quan điểm đồng tình trước ý kiến của các địa phương về vấn đề hạ tầng giao thông, điển hình là tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối Bắc - Nam, kết nối quốc tế.

“Đường sắt kết nối đô thị rất cần thiết, hiện đang thí điểm tại Hà Nội và TPHCM. Nếu không có tư duy từ bây giờ đồng bộ giao thông đô thị, bao gồm cả đường sắt, nếu làm chậm thì sau này phải trả giá”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương nghiên cứu, đề xuất những nội dung mới, đột phá, mang tính khả thi cao đối với định hướng phát triển trong 5 năm tới.

MỚI - NÓNG