Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, ngày 6/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Trường Đại học (ĐH) Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo tiến sĩ.
Ảnh: Trường ĐH SKĐA |
Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho biết, thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại đơn vị còn nhiều tồn tại, hạn chế. Với đặc thù là cơ sở đào tạo nghệ thuật nên số lượng nghiên cứu sinh trường tuyển sinh đào tạo hàng năm rất ít.
Từ năm 2016 đến nay, Nhà trường chỉ có 7 nghiên cứu sinh trúng tuyển. Đặc biệt, năm học 2017 – 2018, 2018 – 2019, 2022 - 2023, Nhà trường xác định tổng chỉ tiêu là 10, nhưng không có nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, việc các nghệ sĩ, giảng viên thạc sĩ quyết tâm đi học tiến sĩ, tiếp cận với công tác nghiên cứu khoa học nâng cao, chuyên sâu cũng không dễ dàng. Do vậy, Nhà trường rất khó khăn trong công tác kiện toàn hệ thống giảng viên cơ hữu ở các cấp học đáp ứng theo tiêu chí thay đổi trong quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT hằng năm.
Cũng theo Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, tại buổi làm việc,Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của ngành đào tạo.
Trong thông tư số 18 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2021 về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ có yêu cầu về tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính của các bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm quốc tế, hoặc các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên là yêu cầu quá cao đối với người hướng dẫn.
Nhà trường đề xuất tiêu chuẩn của người hướng dẫn tiến sĩ chỉ nên áp dụng có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư quy định khung điểm đánh giá là 0,5 điểm.