Kiến nghị giảm 5% thuế VAT

Kiến nghị giảm 5% thuế VAT
Ngày 1-10, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2012, Bộ Công thương thừa nhận các doanh nghiệp vẫn đang tồn kho khá lớn, đồng thời cho biết đã kiến nghị Thủ tướng hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Kiến nghị giảm 5% thuế VAT

> Doanh nghiệp kiến nghị miễn, giảm thuế

Ngày 1-10, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2012, Bộ Công thương thừa nhận các doanh nghiệp vẫn đang tồn kho khá lớn, đồng thời cho biết đã kiến nghị Thủ tướng hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Sản xuất da giày, túi xách tại Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, TP.HCM - Ảnh: T.V.N
Sản xuất da giày, túi xách tại Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, TP.HCM. Ảnh: T.V.N.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương đề nghị một số biện pháp như giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% cho một số ngành, giảm 50% tiền thuê đất thêm một năm...

Tồn kho vẫn cao

Trong báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 9 và chín tháng đầu năm 2012 công bố ngày 1-10, Bộ Công thương nhận định tình hình khá “buồn” như nhiều tháng trước. Đó là kinh tế cả nước và ngành công thương gặp nhiều khó khăn, sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao, giá một số mặt hàng xuất khẩu giảm, lãi suất ngân hàng có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế...

Thực trạng này, theo Bộ Công thương, đã tác động mạnh đến sản xuất, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động ít việc làm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chín tháng qua so với năm 2011 chỉ đạt 4,8%, một mức tăng khá thấp. Tình hình tiêu thụ sản phẩm tính đến hết tháng 8-2012 cũng không khá hơn bao nhiêu.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011, đáng ngại lại chỉ tăng ở những mặt hàng như chế biến rau quả, thủy sản, thức ăn gia súc, đường...

Nhiều ngành như hàng may sẵn, giày dép, ximăng, cấu kiện kim loại, linh kiện điện tử, môtơ, sản xuất dây cáp điện... chỉ số tiêu thụ lại tiếp tục giảm. Vì vậy, lượng tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tính đến ngày 1-9, theo Bộ Công thương, vẫn tăng 20,4% so với cùng kỳ 2011.

So với tháng 8-2012, chỉ số tồn kho tháng 9-2012 gần như không giảm mặc dù nhiều biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đã bắt đầu được thực thi.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp chín tháng đầu năm vẫn khó khăn, tồn kho các mặt hàng sản xuất vật liệu xây dựng ở mức cao, một số ngành hoạt động vẫn cầm chừng do thiếu đơn hàng lớn...

Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho. Trong đó, Bộ Công thương cho rằng vấn đề quan trọng nhất là giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đang tồn kho khá lớn do khó khăn về đầu ra. Ảnh: Đình Dân
Nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đang tồn kho khá lớn do khó khăn về đầu ra. Ảnh: Đình Dân.

Đề nghị giảm thuế VAT, tiền thuê đất

Cũng tại buổi họp, Bộ Công thương cho biết vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sau khi tổ chức hàng loạt hội thảo tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp.

Trong đó, để tăng công ăn việc làm cho doanh nghiệp trong nước, bộ này đã đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định thầu cho các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia các dự án có trên 30% là vốn ngân sách, thời hạn kéo dài đến hết quý 2-2013.

Đặc biệt, với chủ trương giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 đã được Thủ tướng quyết định, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng cần chỉ đạo các địa phương và có hướng dẫn chi tiết hơn theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể được giảm tiền thuê đất.

Hơn nữa, do tình hình khó khăn có thể còn kéo dài, bộ này kiến nghị cần giảm 50% tiền thuê đất cho cả năm 2013 chứ không chỉ năm 2012 như hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cần trình Quốc hội giảm thuế VAT có thời hạn từ 10% xuống 5% cho các ngành hóa chất, da giày, phân bón, dệt may...

Trả lời báo chí về kế hoạch hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hòa, vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), cho biết theo chỉ đạo của bộ trưởng, trước mắt Vụ Thị trường trong nước sẽ chủ trì, phối hợp giải quyết hàng tồn kho trong các tập đoàn, tổng công ty.

Bộ Công thương đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty để xây dựng thỏa ước giúp các đơn vị này dùng hàng hóa, tiêu thụ hàng cho nhau. Dự kiến sắp tới sẽ tổ chức ký thỏa ước giữa các tập đoàn, tổng công ty.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo Bộ Công thương, ông Đặng Huy Cường, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, công nhận việc tăng giá than cho điện vừa có hiệu lực ngày 15-9 và sẽ tăng thêm chi phí cho các nhà máy nhiệt điện than khoảng 850 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Cường khẳng định trong tháng 10-2012 Bộ Công thương chưa có chủ trương tăng giá điện. Về khả năng điều chỉnh giá điện cuối năm 2012 và 2013, ông Cường cho biết để có kế hoạch điều chỉnh, hai bộ Tài chính và Công thương phải kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2011.

Theo Cầm Văn Kình
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG