> Phí bảo trì đường rẻ hơn tiền mua thỏi son
Ông Trần Quốc Khải - Chủ nhiệm HTX taxi Nội Bài (đứng): Cần đưa taxi vào loại hình vận tải công cộng. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Phá sản
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội và một số tỉnh, thành khác tham dự hội thảo do Hiệp hội vận tải TP Hà Nội tổ chức sáng 22-3.
Theo Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội, việc triển khai thu phí lưu hành phương tiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 1,5 triệu ô tô và 28 triệu xe máy, gây khó khăn cho khoảng 40% dân số cả nước.
Theo một số doanh nghiệp, từ 1-6 tới đây, xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet phải đóng phí bảo trì đường bộ 1,44 triệu đồng một tháng là quá cao, khiến doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc hãng taxi Hùng Vương - cho rằng, hiện nay, tất cả doanh nghiệp vận tải đang phải chịu quá nhiều mức phí (phí xăng dầu, cầu đường); tới đây, thêm phí bảo trì, lưu hành, các mức phí đều quá cao.
Theo ông Tùng, hiện kinh doanh taxi bị đưa vào diện kinh doanh cá thể, nếu đưa phí này vào thì các hãng taxi sẽ phá sản. Ông Tùng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, đưa taxi vào diện kinh doanh vận tải hành khách công cộng.
Ông Trần Quốc Khải - Chủ nhiệm Hợp tác xã taxi Nội Bài cũng cho rằng, nếu so sánh với một số nước láng giềng, cước vận tải taxi của họ rất rẻ vì phí của họ rẻ, lại được nhà nước bù giá. Một số nước châu Âu bù giá 40% cho doanh nghiệp taxi mua sắm phương tiện. Còn ở Việt Nam lại cào bằng, đặc biệt phí trước bạ đánh đồng loạt.
Ông Khải đặt câu hỏi: “Taxi phục vụ đưa đón, trả khách tận nhà, bây giờ cấm vào một số khu phố, liệu có phục vụ được người dân không? Người dân có chịu đi bộ ra xa để bắt taxi? Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai gọi xe mà không cho vào vậy hành khách đi bằng cách nào? Tại sao xe buýt cồng kềnh hơn lại không cấm? Như vậy, quả thật chưa hợp lý, còn bất cập. Nên đưa taxi vào loại hình vận tải công cộng”.
Đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, nếu xử phạt cao, lái xe sẽ bỏ nghề và hàng trăm doanh nghiệp sẽ phá sản.
Ông Hoàng Quang Ngọc – Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà (chuyên vận tải hàng hóa bằng container) cho rằng: “Xe container sẽ phải mất 1,4 triệu đồng/tháng phí bảo trì đường bộ và phải nộp sáu tháng một lần qua đăng kiểm. Như vậy, 50 đầu xe của chúng tôi đều đi đăng kiểm một lần và phải nộp phí sáu tháng. Số tiền lên tới vài trăm triệu. Cách làm này không khác bóp chết chúng tôi ngay lập tức”.
Ông Ngọc cũng kiến nghị, cần phân biệt xe cá nhân và xe kinh doanh. Xe kinh doanh tạo việc làm, phục vụ nhu cầu xã hội, không nên đánh đồng.
Chủ tịch HĐQT Taxi Thành Công Nguyễn Hoàng Quân cho rằng, việc thu phí nằm trong quy trình phát triển, người dân và doanh nghiệp phải đóng góp là đương nhiên. Nhưng việc thu phí phải có lộ trình, số tiền thu được phải sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Cũng theo ông Quân, taxi là văn hóa của thủ đô Hà Nội và rất nhiều thủ đô khác trên thế giới. Taxi vận chuyển hành khách với số lượng không kém so với những loại hình vận tải công cộng khác. Vì thế, cần phải coi taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội: "Hiệp hội sẽ kiến nghị lùi thời hạn thu phí tới 1-1-2013 và thu bằng 60% mức phí đề nghị hiện nay". |
“Xe container sẽ phải mất 1,4 triệu đồng/tháng phí bảo trì đường bộ và phải nộp sáu tháng một lần qua đăng kiểm. Như vậy, 50 đầu xe của chúng tôi đều đi đăng kiểm một lần và phải nộp phí sáu tháng. Số tiền lên tới vài trăm triệu. Cách làm này không khác bóp chết chúng tôi ngay lập tức” - Ông Hoàng Quang Ngọc – Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà. |
Đại diện cho loại hình xe khách, ông Đỗ Xuân Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Hành khách Thiên Trường (Nam Định) nói: "Xe khách chạy trên tuyến cố định đang chịu rất nhiều loại phí, nếu tăng thêm sẽ gặp khó khăn. Trong khi xe dù phát triển mạnh, xe chạy trong bến phải chịu cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều áp lực".
Theo ông Đinh Xuân Nhật, Giám đốc Công ty Vận tải Container, đầu năm, doanh nghiệp vận tải khó khăn vì khối lượng hàng hóa ít. Mặt khác, nhiều xe đang xuống cấp, doanh nghiệp không có nhiều kinh phí. Nếu thu ngay và thu với mức giá cao như vậy, sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không đảm bảo doanh thu.
Theo ông Trịnh Xuân Đức - Giám đốc Công ty Vận tải Xuân Đức, hiện nay, thu nhập người dân còn rất thấp, nhưng lại đánh thuế và thu phí bằng nước ngoài. Sở GTVT là người cấp phép đỗ và đi vào tuyến phố cấm nhưng công an lại là người thổi còi.
"Rất nhiều khách du lịch ở khách sạn trong phố. Cấm xe ô tô tô thì không thể phục vụ khách. Một đoàn khách có 20 người, nếu không cho ô tô vào, phải dùng năm xe con đón ra xe to. Như vậy, hành khách không đi. Ô tô cố tình vào chỗ cấm thì bị phạt. Đề nghị Nhà nước xem xét lại việc cấp giấy phép" - Ông Đức nói.
Kết luận hội thảo, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tập hợp ý kiến đóng góp để trình các cơ quan chuyên môn Trung ương và Hà Nội xem xét, điều chỉnh. Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị lùi thời hạn thu phí đến ngày 1-1-2013. Mức thu bằng 60% mức đề xuất hiện nay. Đến năm 2014, thu phí bằng thẻ, khi đó sẽ tính lại và công bằng hơn… |