Kiến nghị dừng khẩn cấp thí điểm xe công nghệ

Sau gần 2 năm thí điểm, Đề án xe công nghệ vừa bị Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp.
Sau gần 2 năm thí điểm, Đề án xe công nghệ vừa bị Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp.
TP - Do số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng không có sự kiểm soát, Nhà nước thất thu thuế… Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có đơn gửi các cơ quan Đảng, Chính phủ kiến nghị dừng “khẩn cấp” việc thí điểm xe công nghệ, trong đó có xe Grab, Uber.

Đề án xe công nghệ đang kinh doanh “tự do”

Đơn kiến nghị do Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình ký cho rằng, ngày 30/8 vừa qua Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24). Cho quan điểm về báo cáo này, ông Đỗ Quốc Bình nêu rõ trong đơn: “Hiệp hội taxi Hà Nội không đồng tình với báo cáo kết quả đánh giá và các biện pháp đề xuất quản lý của Bộ GTVT trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Từ thực tế trên, Hiệp hội taxi Hà Nội có đơn xin báo cáo về thực trạng thí điểm xe công nghệ theo Đề án (Quyết định) số 24 của Bộ GTVT đang triển khai từ tháng 1/2016 đến nay. Về số lượng phương tiện, Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, tại các thành phố thí điểm Đề án 24 hầu hết đều có quy hoạch lượng phương tiện kinh doanh dưới 9 chỗ, tuy nhiên số lượng xe tham gia thí điểm theo hình thức Đề án 24 hiện đã là 50 nghìn xe và nằm ngoài mọi sự quản lý, quy hoạch của địa phương. Riêng tại Hà Nội, ngoài 19.000 taxi, số lượng xe hợp đồng đã lên đến 25.000 xe, trong khi đó theo quy hoạch đến năm 2020 Hà Nội chỉ 25 nghìn xe kinh doanh dưới 9 chỗ. “Nếu cộng số lượng xe taxi với xe hợp đồng đang có, số lượng xe kinh doanh dưới 9 chỗ trên địa bàn Hà Nội hiện đã là 44.000 xe, vượt rất xa so với con số quy hoạch”, ông Bình nêu rõ.

Trong công tác quản lý, ông Bình cho rằng, theo Đề án 24, xe tham gia thí điểm phải được dán logo để phân biệt, quản lý. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, Bộ GTVT đã giao cho Cty sở hữu phần mềm như Grab, Uber tự do tự in và cấp phát logo cho xe của mình. “Đang có tình trạng các Cty cố tình không đưa ra quy chuẩn nhận diện đối với các xe tham gia thí điểm, do không dán logo nhận diện nên lực lượng thanh tra giao thông không thể nhận biết phương tiện và người lái khi hoạt động trên đường” - ông Bình nêu thực tế.

Coi thường luật pháp, chỉ đạo

Trên lĩnh vực thuế, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, xuất phát từ việc không có các dữ liệu chính xác về số lượng xe, số chuyến nên ngoài các đơn vị chủ quản thu bao nhiêu đến việc chuyển bao nhiêu tiền ra nước ngoài cơ quan nhà nước cũng không thể biết.

Qua số liệu mà Hiệp hội thu thập được, chỉ cần so sánh doanh thu ngân sách giữa một đơn vị tham gia thí điểm có 2.288 đầu xe với 2 đơn vị chạy xe taxi sẽ biết rõ con số. Cụ thể, một đơn vị đang tham gia thí điểm mà Hiệp hội được biết đang có 2.288 xe, năm 2016 họ nộp ngân sách 500 nghìn đồng, 6 tháng đầu năm 2017 họ nộp 92 triệu đồng, trong khi đó với tổng số lượng 2.103 xe taxi mà Cty CP Mai Linh miền Bắc và Cty CP Mai Linh Đông Đô cộng lại, năm 2016 hai đơn vị này đã nộp ngân sách trên 60 tỷ đồng.

Vậy nhưng, với trên 50.000 xe tham gia thí điểm theo Đề án 24, trong đó chủ yếu là xe mang các ứng dụng của Grab, Uber trong năm 2016 Grab nộp ngân sách 5,8 tỷ đồng, còn Uber nộp gần 10 tỷ. Ông Bình cho rằng, đây là con số quá vô lý.

Ngoài những bất hợp lý trên, ông Bình còn cho biết, tuy đang kinh doanh thí điểm nhưng các đơn vị tham gia như GrabTaxi, Uber cùng đối tác liên tục vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, coi thường chỉ đạo của cơ quan quản lý. Đơn cử, trước khi Grab Taxi triển khai dịch vụ đi xe chung (GrabShare) Bộ GTVT đã có văn bản “hỏa tốc” yêu cầu dừng triển khai vì vi phạm quy định. Tuy nhiên ngày 9/5/2017, GrabTaxi vẫn rầm rộ khai trương dịch vụ. Ngoài GrabTaxi, hiện Uber cũng đang công khai triển khai dịch vụ đi xe chung này.

Với những vấn đề và tồn tại trên, ông Bình kiến nghị: “Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm. Đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm đang gây ra nhiều bất an cho xã hội”.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.