Hội thảo nhằm mục đích để các nước thành viên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về kiểm toán nội bộ và tăng cường độ tin cậy của kế toán chính phủ, thực tiễn triển khai hoạt động chuyên môn của các nước. Đây cũng sẽ là nguồn thông tin bổ sung phong phú cho các nước trong AIST trong bối cảnh hội nhập và cải cách và phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Bà Catherine Lemesle - Tổng thư ký Hiệp hội Kho bạc quốc tế phát biểu |
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội thảo chuyên đề: “Kiểm toán nội bộ và độ tin cậy của kế toán chính phủ” diễn ra trong bối cảnh, nhiều quốc gia thành viên AIST đang thực hiện cải cách kế toán nhằm thiết lập một hệ thống kế toán trên cơ sở dồn tích về quyền và nghĩa vụ. Những cải cách này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của độ tin cậy kế toán Nhà nước trong việc áp dụng các nguyên tắc về tính phù hợp và trung thực các tài khoản, nhằm đưa ra bức tranh chính xác về tình hình tài chính và tài sản Nhà nước.
Để đảm bảo độ tin cậy của kế toán, cần phải dựa vào một số công cụ và chức năng nhất định, đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị chi tiêuvà kế toán kho bạc.
Tại các nước trong khối Pháp ngữ, điển hình như Pháp, Sê-nê-gal, hệ thống kiểm soát nội bộ được xây dựng và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo kiểm soát các quy trình nghiệp vụ và kết quả đối sánh với các nguy cơ, rủi ro có thể ảnh hưởng đến các báo cáo. Kế toán kho bạc và các đơn vị thu, chi là những nhân tố trung tâm.
Bên cạnh đó, kiểm toán nội bộ cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ mang tính khách quan và độc lập, do đó quan tâm đánh giá về khía cạnh kế toán và về chính hệ thống quản lý rủi ro. Vai trò của kiểm toán nội bộ là đảm bảo mức độ kiểm soát của toàn bộ hệ thống nhằm đảm bảo kế toán là tin cậy, đúng quy định, trung thực và chính xác.
Tất cả những điều này tham gia vào quá trình cải cách liên tục nhằm tạo ra những bước nhảy vọt về chất mang tính cơ cấu trong hệ thống kế toán vận hành cũng như trong công tác kế toán. Để làm được như vậy, kiểm toán nội bộ đóng vai trò trung tâm và cơ bản trong đảm bảo độ tin cậy của kế toán, tuân thủ luật, quy định về kiểm toán nội bộ và tuân thủ các chuẩn mực kế toán.
Hình ảnh tại điểm cầu trực tuyến Kho bạc Nhà nước Việt Nam |
Những nội dung cải cách trên, mặc dù không được tiến hành theo cách thức giống nhau ở mỗi nước, nhưng đều có chung thách thức và những câu hỏi đặt ra như: (i) Làm thế nào để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa kế toán kho bạc và đơn vị thu, chi, khi mà phần lớn rủi ro kế toán bắt nguồn từ đơn vị thu, chi; (ii) Mô hình tổ chức và vị trí của chức năng kiểm toán như thế nào để có kết quả tốt hơn về chất lượng kế toán; (iii) Làm thế nào để đối phó với sự khan hiếm nguồn nhân lực (kiểm toán viên) và làm thế nào để nâng cao năng lực của họ; (iv) Vai trò của hệ thống thông tin trong việc chuyển đổi nghiệp vụ kiểm toán…
Trước những vấn đề chung đặt ra, tại Hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận của hai đại diện đến từ Tổng cục Kế toán công và Kho bạc Sê-nê-gal và Tổng cục Tài chính công Pháp, đồng thời, trực tiếp chia sẻ về bối cảnh của nước mình cũng như đặt các câu hỏi, trao đổi với các diễn giả.
Mở đầu là phần trình bày tham luận của đại diện đến từ Sê-nê-gal về kinh nghiệm làm sạch các tài khoản trong cải cách kế toán. Diễn giả đã đưa ra các kết quả công việc mà Tổng cục Kế toán công và Kho bạc Sê-nê-gal đã thực hiện trong cải cách kế toán và tạo điều kiện hiện thực hóa mục tiêu chất lượng kế toán. Mục tiêu chất lượng kế toán là mục đích cơ bản của hệ thống kiểm soát nội bộ về kế toán, chủ yếu dựa trên các tiêu chí về tính phù hợp và trung thực kế toán. Các tiêu chí này đảm bảo cho các cơ quan kho bạc cung cấp các thông tin tài chính và kế toán tin cậy, hiệu quả. Từ năm 2018, Tiểu ban kiểm soát nội bộ về kế toán với thành phần gồm Vụ Kiểm soát nội bộ, Vụ Kế toán công, Phòng Hiện đại hóa và Chiến lược của Tổng cục Kế toán công và Kho bạc; Vụ Ngân sách chung; Tổng Thanh tra Tài chính và 2 Bộ Giáo dục, Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động đặc biệt để triển khai hệ thống kiểm soát nội bộ về kế toán, trong đó có xây dựng và đưa vào thực hiện các công cụ kiểm soát nội bộ, định hướng các hoạt động làm sạch trước các sai sót, các điểm bất thường trong kế toán trước khi chuyển đổi sang kế toán dồn tích. Đến 31/12/2020 số liệu cuối kỳ để đưa sang đầu năm 2021 cơ bản được kiểm soát, đảm bảo sẵn sàng chuyển đổi sang kế toán dồn tích. Sê-nê-gal tiếp tục duy trì cơ chế kiểm soát nội bộ để ngăn chặn kịp thời các sai sót, bất thường, đồng thời tiếp tục làm sạch đối với các tài khoản nợ công của Nhà nước Trung ương, thiết lập kiểm soát nội bộ ban đầu về kế toán tại các đơn vị kế toán tổng hợp, triển khai ứng dụng tin học kiểm soát nội bộ, xây dựng bộ quy tắc ứng xử đạo đức kiểm toán nội bộ và kế toán công, soạn thảo và triển khai chương trình kiểm toán hằng năm ưu tiên dựa vào bản đồ rủi ro kế toán.
Ông Pierre Farouilh đại diện Tổng cục Tài chính công của Pháp trình bày tham luận |
Đại diện Tổng cục Tài chính công của Pháp chia sẻ về tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ của Tổng cục. Theo diễn giả, từ năm 2006 sau khi sáp nhập Tổng cục Thuế và Tổng cục Kế toán công, trở thành Tổng cục Tài chính công thì kế toán công chỉ là 1 trong 8 chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục, do đó kiểm toán nội bộ về kế toán cũng chỉ chiếm một phần trong hoạt động kiểm toán. Hàng năm, trong Hợp đồng cam kết nhiệm vụ của Tổng cục ký với Bộ có 3 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu “duy trì chất lượng kế toán”. Kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ tham gia đảm bảo mục tiêu này. Cơ cấu tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ tại Tổng cục Tài chính công Pháp được xây dựng theo mạng lưới trên toàn lãnh thổ, cả ở Trung ương và địa phương. Tại Trung ương có Ban Kiểm toán nội bộ và Rủi ro trực thuộc Tổng cục trưởng; Bộ phận chức năng kiểm toán nội bộ địa phương đặt tại các Sở Tài chính công cấp tỉnh, vùng kết nối giữa kiểm toán nội bộ với kiểm soát nội bộ và trực thuộc Cục trưởng (có 100 Sở Tài chính công). Cơ cấu tổ chức giống với Sê-nê-gal, tại Trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ kiểm soát rủi ro và kiểm toán nội bộ. Hệ thống kiểm soát nội bộ phát hiện các rủi ro, các rủi ro có thể được ngăn ngừa bằng hoạt động kiểm toán nội bô, kiểm toán cải thiện chất lượng hoạt động kiểm soát, kế toán. Nhân sự thực hiện kiêm cả kế toán nội bộ và kiểm toán. Tại Trung ương có 25 kiểm toán viên, thực hiện khoảng 30 đợt kiểm toán nội bộ hàng năm, nhưng số lượng kiểm toán bộ về kế toán ít (do đã có kiểm toán của Thẩm kế viện). Không có thủ tục kiểm toán cố định tại Trung ương, chỉ có bảng biểu mẫu, các kiểm toán viên tự điều chỉnh để tiến hành kiểm toán. Kiểm toán nội bộ tại địa phương có vai trò rất quan trọng, 350 kiểm toán viên chuyên trách trong mạng lưới, trung bình 3, 4 kiểm toán viên trong 1 Sở, tiến hành 1.500 cuộc kiểm toán, trong đó 1.000 cuộc kiểm toán nội bộ và khoảng 500 cuộc kiểm toán bên ngoài (các đơn vị liên quan trong dây chuyền chi ngân sách); khoảng 60% trong số đó là kiểm toán nội bộ về kế toán. Ban Kiểm toán nội bộ và rủi ro ở Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, định hướng hoạt động kiểm toán, xây dựng các bộ KIT hướng dẫn chi tiết kiểm toán tất cả các lĩnh vực hoạt động (thuế, doanh nghiệp, kế toán công...) để các kiểm toán viên tại địa phương áp dụng và điều chỉnh tùy theo đặc thù của địa phương. Bộ KIT này được cập nhật hằng năm.
Sau phần trình bày của hai đại diện của Pháp và Sê-nê-gal, các thành viên AIST có phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh các vấn đề như: Vị trí chức năng kiểm toán nội bộ trong mô hình tổ chức, nguồn nhân lực, giải pháp nâng cao năng lực, căn cứ xây dựng chương trình kiểm toán, lựa chọn nội dung kiểm toán, thời gian tiến hành một cuộc kiểm toán, theo dõi thực hiện kiến nghị, khuyến nghị kiểm toán, xây dựng ứng dụng tin học phục vụ kiểm toán...
Trong những năm qua, KBNN Việt Nam đã tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề của AIST theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thông qua các hoạt động của Hiệp hội, KBNN Việt Nam đã nắm bắt học hỏi được nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ có liên quan đến lĩnh vực hoạt động KBNN, đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước qua từng giai đoạn cụ thể, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới. Kiểm toán nội bộ là lĩnh vực mới đang được KBNN đưa vào Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Hội thảo là cơ hội để các đơn vị chủ trì nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn và bổ sung cho đề xuất phương án, lộ trình thí điểm kiểm toán nội bộ trong KBNN thời gian tới.