Kiểm toán Habeco: Đề nghị tăng nộp ngân sách 1.847 tỷ đồng

Habeco bị đề nghị tăng nộp ngân sách 1.847 tỷ đồng
Habeco bị đề nghị tăng nộp ngân sách 1.847 tỷ đồng
TPO - Đây là số tiền Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và các đơn vị thành viên được kiểm toán phải tăng nộp vào NSNN theo kiến nghị của KTNN sau khi kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016.

Theo KTNN, trong số 1.847 tỷ đồng kiến nghị tăng nộp NSNN nêu trên bao gồm tăng nộp thuế giá trị gia tăng gần 4,5 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 441 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 381 triệu đồng và các khoản phải nộp khác gần 1.392 tỷ đồng; đồng thời, giảm các khoản phải thu NSNN gần 5,8 tỷ đồng.

Trong báo cáo kiểm toán vừa được công bố, KTNN cũng ghi nhận những mặt tích cực mà Habeco đã làm được trong năm 2016. Cụ thể, Habeco đã thực hiện quản lý tài chính kế toán theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các nội quy, quy chế do Hội đồng quản trị Habeco ban hành như Quy chế quản lý tài chính, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy định mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Trong quản lý tài sản cố định, Habeco đã mở sổ kế toán theo dõi chi tiết từng loại tài sản, trích khấu hao tài sản cố định theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Habeco cũng thực hiện quản lý nợ phải trả theo đúng quy định, theo dõi các khoản nợ ngắn hạn được chi tiết cho từng đối tượng, các khoản nợ đang luân chuyển.

Trong quản lý doanh thu, thu nhập, Công ty mẹ Habeco tự sản xuất bia và hợp đồng mua bia thành phẩm của các công ty con, giá mua đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt. Toàn bộ sản phẩm bia chai, bia lon được bán cho Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco và toàn bộ bia hơi bán cho Công ty CP Thương mại Bia Habeco. Sau đó, 2 công ty này trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường.

Theo kết quả kiểm toán, doanh thu bán hàng năm 2016 của Công ty mẹ đạt gần 7.676 tỷ đồng, tăng 12,3% (tương đương 844 tỷ đồng) so với năm 2015, trong đó doanh thu từ việc bán 525,9 triệu lít bia là 6.629 tỷ đồng, doanh thu từ bán vật tư, nguyên liệu là 1.037 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh khác hơn 9,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, song song với những ghi nhận tích cực, KTNN đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, sai sót trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tổng công ty này.

Đơn cử, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỷ đồng. Điều này vi phạm Quyết định số 173/QĐ-HABECO do chính Habeco đặt ra ngày 1/4/2016 là việc mua sắm nguyên vật liệu phải “vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu trong mua sắm hàng hóa dịch vụ”.

Hơn nữa, Habeco đã không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu Malt, chỉ chào hàng hạn chế, sau đó chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua, số lượng mua không dành toàn bộ cho nhà cung cấp có giá thấp nhất mà phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất. Điều này là hạn chế tính cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro thông đồng giữa các nhà cung cấp.

Trong phân bổ sản lượng bia Hà Nội gia công cho các đơn vị thành viên, về nguyên tắc, Habeco thực hiện dựa trên kế hoạch tiêu thụ tại các khu vực, năng lực sản xuất, thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của năm trước… Nhưng trên thực tế, Habeco chưa có tài liệu thuyết minh việc phân bổ này. Đáng chú ý hơn, KTNN phát hiện việc phân bổ chỉ tiêu sản xuất cho các đơn vị thành viên của Habeco có sự khác biệt rất lớn giữa năng lực sản xuất với sản lượng được phân bổ.

Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Habeco bán bia lon/chai cho hệ thống các đại lý cấp I theo hình thức mua đứt bán đoạn và ràng buộc giá bán ra của đại lý cấp I không cao hơn 7% giá mua của Công ty, nhưng thực tế Công ty chưa kiểm soát được giá bán ra của đại lý. Với sản phẩm bia hơi, trong mô hình hệ thống phân phối Habeco ban hành không có đối tượng “nhà phân phối”, nhưng trong Hợp đồng ký kết giữa Công ty mẹ với Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội và Hợp đồng Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội ký với khách hàng lại chấp thuận Công ty được phép bán cho “nhà phân phối”.

Năm 2016, Habeco thực hiện 8 hợp đồng License (Li-xăng) với 8 công ty trong hệ thống với sản lượng 68,5 triệu lít. Tại các hợp đồng License quy định các công ty phải bán với giá cao hơn giá sàn nhưng Habeco không thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện giá bán, chỉ căn cứ vào báo cáo của các công ty. Vì vậy, giá báo cáo và giá bán thực tế có sự khác nhau nhưng không được kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng.

MỚI - NÓNG