Kiểm toán được quyền xác minh người có dấu hiệu tham nhũng?

Phó Tổng kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh
Phó Tổng kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh
TPO - Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước 2015 sửa đổi được ban soạn thảo đề xuất quy định về xác minh hồ sơ, tài liệu và yêu cầu người có liên quan có mặt giải trình để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Sau hơn 3 năm thi hành, Luật Kiểm toán nhà nước 2015 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập và dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội sửa đổi trong các kỳ họp tới đây. Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là việc bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan kiểm toán cũng như Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng.

Trao đổi về nội dung này, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật KTNN và Luật Phòng chống tham nhũng, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.

Theo ông Đặng Thế Vinh, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân số vụ việc năm 2018 gồm: 33 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; năm 2017, KTNN đã kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, số vụ kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra trong năm 2018 5 bộ hồ sơ…

Cùng với đó, luật sửa đổi lần này cũng bổ sung quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp Luật Phòng chống tham nhũng. Điều 62 quy định, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng KTNN chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc trao cho KTNN có chức năng kiểm tra, xác minh ở một số nước (trong đó Hàn Quốc là điển hình) có quy định một số phương pháp xác minh, kiểm tra như: Triệu tập người có liên quan đến vụ việc có mặt để giải trình, trình bày về báo cáo kế toán, trả lời, giải trình về giấy tờ tài liệu liên quan, niêm phong, phong tỏa…

Cơ quan kiểm toán cho rằng, điều này góp phần tăng cường hiệu quả trong hoạt động KTNN của Nhà nước. Do vậy, dự thảo luật sửa đổi lần này bổ sung quyền xác minh của KTNN, đồng thời bổ sung phương pháp “xác minh” tại khoản 2 Điều 46 của Luật KTNN năm 2015.

Cụ thể, Điều 11 quy định việc xác minh hồ sơ, tài liệu và yêu cầu người có liên quan có mặt giải trình để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể các biện pháp xác minh để làm rõ và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu, xác nhận; điều tra và xác minh đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán.

MỚI - NÓNG