Kiểm soát súng đạn ở một số nước trên thế giới

Kiểm soát súng đạn ở một số nước trên thế giới
TP - Mỹ, nơi mỗi năm xảy ra hơn 11.000 vụ giết người liên quan súng, đang tranh cãi kịch liệt về việc siết kiểm soát vũ khí nóng. Trong khi đó, một số nước có những cách tiếp cận khác với kết quả bất ngờ.

> Tổng thống Mỹ trình dự luật kiểm soát súng

Nhật Bản: Tội phạm sợ dùng súng

Tiếng súng vang vọng qua những ngọn đồi tại một trường bắn dưới chân núi Phú Sĩ. Có một số ít trường bắn như thế ở Nhật Bản.

Trên xứ sở hoa anh đào, súng và bạo lực liên quan súng ít xuất hiện. Cả năm 2011 chỉ xảy ra 7 vụ giết người có sử dụng súng, trong khi dân số Nhật Bản là 130 triệu. Theo cảnh sát nước này, số người bị giết bằng kéo còn nhiều hơn.

Nhật Bản gần như cấm người dân sở hữu súng ngắn và quản lý súng trường rất nghiêm ngặt. Ảnh: The Atlantic
Nhật Bản gần như cấm người dân sở hữu súng ngắn và quản lý súng trường rất nghiêm ngặt. Ảnh: The Atlantic.

Dù tỷ lệ sở hữu súng ở Nhật Bản quá nhỏ so với ở Mỹ, nhưng nước này cũng có tới hơn 120.000 chủ sở hữu súng và hơn 400.000 khẩu súng được đăng ký.

Nhưng tại sao lại có ít bạo lực liên quan súng đạn? “So với người Mỹ, chúng tôi có cách nhìn rất khác về súng.

Ở Mỹ, người ta tin rằng, họ có quyền sở hữu súng. Ở Nhật Bản, chúng tôi không có quyền đó”, ông Tsutomu Uchida, người điều hành Trường bắn Kanagawa Ohi Shooting Range (một trung tâm huấn luyện kiểu Olympic dành cho người yêu súng trường), giải thích.

Việc coi sở hữu súng là một đặc quyền, không phải là quyền, dẫn tới một số khác biệt quan trọng về chính sách.

Thứ nhất, bất kỳ ai muốn có một khẩu súng phải đưa ra được lý do hợp lý rằng, tại sao họ nên được phép làm thế.

Theo chính sách lâu đời của Nhật Bản, không có lý do đáng tin cậy về việc thường dân nên được sở hữu súng ngắn. Vì vậy, trừ vài chục tay súng lão luyện tham gia thi đấu, không ai có quyền sở hữu súng ngắn.

Cảnh sát, quân đội Brazil chuẩn bị tấn công băng đảng ma túy trong khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Ảnh: NBC News
Cảnh sát, quân đội Brazil chuẩn bị tấn công băng đảng ma túy trong khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Ảnh: NBC News.

Hầu như mọi vụ án liên quan súng ngắn là do gangster gây ra. Gangster kiếm được súng ngắn ở chợ đen.

Nhưng loại tội ác này đặc biệt hiếm và khi xảy ra, cảnh sát Nhật Bản điều tra, xử lý rất mạnh tay, dù bất kỳ băng nhóm nào liên quan. Xã hội đen Nhật Bản coi việc sử dụng súng là hạ sách, bất đắc dĩ mới phải dùng.

Công chúng được sở hữu súng trường, nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Người nộp đơn trước tiên phải tới đồn cảnh sát địa phương và nêu rõ ý định của mình. Họ phải dự lớp học cả ngày và qua được bài kiểm tra viết (được tổ chức mỗi tháng một lần).

Người nộp đơn còn phải đến bệnh viện để bác sĩ ký xác nhận rằng họ hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, không mắc chứng động kinh, trầm cảm, tâm thần phân liệt; không nghiện rượu, ma túy… Cảnh sát kiểm tra rất kỹ lý lịch người nộp đơn, thậm chí nói chuyện với hàng xóm của người nộp đơn xem họ có nóng tính, gặp rắc rối tài chính hay tình trạng gia đình có bất ổn hay không.

Người sở hữu súng phải nói cho cảnh sát biết khẩu súng được cất ở đâu trong nhà mình. Súng phải được giữ ở nơi có khóa, tốt hơn là xích lại, và không được giữ chung với đạn. Được phép để súng trong cốp xe hơi để chở tới trường bắn, nhưng lái xe không được ở cách xa xe. Cảnh sát sẽ kiểm tra súng mỗi năm một lần, và cứ ba năm một lần, người sở hữu súng phải học lại và thi lại.

Ông Uchida nhận định, luật về súng của Nhật Bản rất phức tạp, gây nản lòng những người muốn sử dụng súng.

“Sẽ thật là tuyệt nếu chúng tôi có được một tổ chức ủng hộ như Hiệp hội Súng trường Quốc gia của Mỹ”, ông nói. Tuy nhiên, ở Nhật Bản không có phong trào lớn nào vận động nới lỏng sự hạn chế súng đạn.

Những người mê bắn súng như ông Uchida nói rằng, họ không thích kiểu tự do súng đạn như ở Mỹ. Và họ cho rằng, hệ thống quản lý vũ khí của Nhật Bản chưa chắc hiệu quả nếu được áp dụng ở Mỹ.

Theo họ, người Nhật Bản có xu hướng thuận theo chính quyền và coi trọng một xã hội trật tự, ít tội ác. “Chúng tôi có cách của chúng tôi, người Mỹ có cách của họ. Nhưng đều cần quy tắc, luật lệ. Đặt một khẩu súng vào tay người xấu, nó là vũ khí chết người”, ông Yasuharu Watabe (67 tuổi), người sở hữu một khẩu súng 40 năm qua, nói.

Thụy Sĩ: Tỷ lệ tự tử bằng súng cao nhất châu Âu

Những người ủng hộ quyền sở hữu súng ở Mỹ thường dẫn trường hợp Thụy Sĩ, vì nước này có quy định tương đối thông thoáng và tỷ lệ phạm tội liên quan súng thấp.

Thụy Sĩ có 8 triệu dân và số súng được đăng ký lên tới 2,3 triệu. Tuy nhiên, súng đạn chỉ được sử dụng trong 24 vụ giết người năm 2009, tức 0,3 vụ trên 100.000 dân. Tỷ lệ này ở Mỹ cùng năm 2009 cao gấp 11 lần.

Không giống Mỹ, ở Thụy Sĩ, chỉ có 1/4 vụ giết người liên quan súng đạn. Vụ đẫm máu nhất thời gian gần đây là vào năm 2001, khi một người đệ đơn nổi cáu bắn chết 14 người tại một cuộc họp hội đồng thành phố.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ phạm tội liên quan súng ở Thụy Sĩ thấp bắt nguồn từ một thực tế rằng, hầu hết súng là súng trường được phát cho nam giới khi họ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Những thập kỷ gần đây, Thụy Sĩ giảm quy mô quân đội, kéo theo tỷ lệ phạm tội liên quan súng đi xuống.

Ông Martin Killias, nhà tội phạm học ở Đại học Zurich, nói rằng, khi quy mô quân đội co hẹp, bạo lực súng, đặc biệt là số vụ tự tử và giết người trong gia đình, giảm mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề chính là bao nhiêu người có thể tiếp cận một khẩu súng, chứ không phải là tổng số vũ khí được sở hữu ở một quốc gia. “Ví dụ, tội phạm ở Thụy Sĩ không được vũ trang đầy đủ như tội phạm đường phố ở Mỹ”, ông Killias nói.

Những người chỉ trích quyền sở hữu súng ở Thụy Sĩ chỉ ra rằng, tỷ lệ tự sát bằng súng ở nước này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.

Tuy nhiên, các nỗ lực siết quản lý vũ khí và buộc lính nghĩa vụ trả lại súng sau khi được huấn luyện đã không đạt được kết quả.

Trong các cuộc trưng cầu dân ý, mới đây nhất là vào năm 2012, đa số người dân Thụy Sĩ không đồng tình với việc thắt chặt quản lý súng đạn.

Những đối tượng mê súng, nhiều người là thành viên của khoảng 3.000 câu lạc bộ súng đạn ở Thụy Sĩ, lập luận rằng, việc giới hạn quyền giữ súng trong nhà của William Tell (anh hùng dân gian của Thụy Sĩ, giỏi bắn nỏ) sẽ phá hủy truyền thống và làm suy yếu sự phòng vệ của lực lượng dân quân trước nguy cơ kẻ thù xâm lược.

Brazil: Đứng đầu thế giới về giết người bằng súng

Tình hình ở một nước thực sự cấm súng thì sao? Kể từ năm 2003, Brazil gần như cấm cửa người dân động đến súng đạn.

Chỉ có cảnh sát, người hoạt động trong lĩnh vực có độ rủi ro cao và những người chứng minh được tính mạng của họ bị đe dọa mới được xét cấp giấy phép sở hữu súng.

Người nào bị phát hiện mang theo vũ khí mà không có giấy phép có thể ngồi tù 4 năm. Tuy nhiên, Brazil đứng đầu thế giới về số vụ sát nhân liên quan súng đạn.

Theo nghiên cứu năm 2011 của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, ở Brazil có 34.678 người bị giết bằng súng năm 2008, tăng so với mức 34.147 người năm 2007. Tỷ lệ người chết vì súng đạn trong hai năm 2007 và 2008 đều là 18 trên 100.000 dân, cao hơn 5 lần tỷ lệ ở Mỹ.

Một cửa hàng bán súng ở Mỹ. Ảnh: Patonabike
Một cửa hàng bán súng ở Mỹ. Ảnh: Patonabike.

Các thành phố như Sao Paulo, Rio de Janeiro… có nhiều khu ổ chuột do các băng đảng ma túy thống trị nhiều năm. Gangster thường được trang bị súng ống đầy đủ hơn cả cảnh sát. Giới chức Brazil thừa nhận, súng đạn dễ dàng tuồn vào nước này thông qua đường biên giới rừng rậm Amazon dài, khó kiểm soát.

Tuy nhiên, Guaracy Mingardi, chuyên gia tội phạm và an toàn công cộng, nhà nghiên cứu tại Fundacao Getulio Vargas (cơ quan tư vấn lớn nhất Brazil), nói rằng, luật cấm súng năm 2003 đã giúp giảm tỷ lệ giết người bằng súng đạn ở một số khu vực.

Theo Sở An toàn Công cộng Sao Paulo, số vụ giết người bằng súng ở thành phố này năm 2011 đã giảm xuống 10,02 vụ trên 100.000 dân, so với mức 28,29 vụ năm 2003.

Brazil muốn cảnh sát sử dụng các loại súng có độ sát thương cao hơn. Tháng 1, quân đội cho phép các sĩ quan thực thi pháp luật mang theo súng có cỡ nòng lớn để sử dụng cá nhân.

Tuy nhiên, bà Ligia Rechenberg, điều phối viên Sou da Paz (tổ chức ngăn bạo lực), cho rằng, điều đó có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.

Bà nói rằng, cảnh sát sẽ mua loại vũ khí mà “họ không biết xử lý và điều này khiến họ và người dân gặp nguy hiểm”.

Thái An
Theo AP, Japan Times, The Atlantic, CBS News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG