> Kìm chế lạm phát - không thể dao động
Diễn biến nợ công Việt Nam giai đoạn 2007-2011 (đơn vị: %GDP). Nguồn: Bộ Tài chính. |
Theo ông, cần có biện pháp hay cảnh báo gì với việc quản lý vay nợ và đầu tư bằng số tiền vay được Chính phủ bảo lãnh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong bối cảnh nhiều đơn vị đang làm ăn chưa hiệu quả, thậm chí thua lỗ?
Cần phải xem lại toàn bộ các khoản vay nợ của các tập đoàn, tổng công ty hiện nay xem họ vay dưới hình thức nào, có bảo lãnh của chính phủ hay không. Với những trường hợp có nguy cơ vỡ nợ thì ai sẽ giải quyết. Về mặt luật pháp, khi đi vay mà không có bảo lãnh của chính phủ thì chỉ thanh toán trong tài sản của doanh nghiệp.
Ở đây cũng cần xem lại việc quản lý nợ của các đơn vị, tránh bị rò rỉ và thận trọng trong việc đi vay nợ. Định làm gì, hiệu quả ra sao, nguồn thu thế nào để đảm bảo việc trả nợ, là việc cần tính đến. Nếu thấy mình vay về mà không đạt được hiệu quả kinh tế thì không nên vay.
Có cần thành lập một ủy ban giám sát tương tự Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia hiện nay để theo dõi vấn đề nợ công?
Không nhất thiết. Hiện chính phủ rất quan tâm việc nghiên cứu quản lý nợ công cho hợp lý. Nếu lập hết ủy ban này đến ban chỉ đạo nọ thì làm sao quản lý được việc của nhà nước. Trong thực tế, đã có những bộ máy giám sát, thanh tra có sẵn thì phải tận dụng để quản lý hiệu quả, tránh việc lập các ủy ban này nọ dẫn đến chồng chéo nhau.
Bộ Tài chính vừa công bố, nợ nước ngoài của Việt Nam, chỉ bao gồm nợ chính phủ trung ương, địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh trong năm qua tăng từ gần 27,93 tỷ USD lên trên 32,5 tỷ USD. Ông bình luận gì về các con số này?
Trước hết phải xem số tiền nợ công đó vay để làm gì, trong điều kiện nào. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, phần lớn các khoản vay của Việt Nam là dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, cần phải xem tiền vay được sử dụng làm những việc gì và hiệu quả của các dự án dùng tiền vay đến đâu. Theo báo cáo giám sát được công bố trước Quốc hội, đầu tư công không được hiệu quả lắm, vẫn còn sự rò rỉ một tỷ lệ nhất định.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công chiếm 42,2% GDP và vẫn ở mức an toàn. Cần phải hết sức thận trọng khi có sự đánh giá như vậy. Ở đây, cần làm rõ ngoài tổng số tiền vay đó thì còn những khoản nợ công khác không phải do Chính phủ đứng ra vay, mà của doanh nghiệp nhà nước phát hành trái phiếu.
Các khoản vay nợ cho các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ đứng ra bảo lãnh chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng tỷ lệ nợ vay cũng là việc cần kiểm tra lại.
Đánh giá số nợ này cao hay thấp thì phải xem lại chúng ta dùng tiền để làm gì, để tạo ra các sản phẩm xã hội như cầu, đường, giúp tạo ra hiệu quả cao thì không có vấn đề gì. Còn nếu tiền vay về lại dùng cho các dự án không hiệu quả, bị thất thoát, đường mới làm xong mấy năm đã hỏng thì không hiệu quả và khi đó rủi ro rất lớn.
Chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành. |
Cảnh giác với ODA
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy chi phí nợ vay ngày càng đắt. Có trên 2,15 tỷ USD dư nợ có lãi suất từ 3% đến dưới 6%, tăng tới 43% so với năm trước. Lãi suất từ 6-10% có tổng dư nợ trên 1,89 tỷ USD, gấp hơn hai lần năm 2009. Việc lãi vay cao này có kéo theo các rủi ro?
Nói lãi suất nợ vay ODA của Chính phủ ở mức thấp, từ 0-3%, trong thời hạn 30-40 năm với thời gian ân hạn kéo dài tới 10 năm nghe thì hấp dẫn, nhưng cũng cần phải có sự chú ý.
Như ODA từ các nước như Nhật Bản thường kèm theo các điều kiện phải dùng dịch vụ tư vấn và trang thiết bị của họ, trong khi cùng loại trang thiết bị đó, nếu mua trên thị trường tự do thường rẻ hơn 20-40%. Trong trường hợp này, chúng ta phải trả cao hơn vài chục phần trăm so với thông thường.
Nói cách khác, nếu chúng ta vay được 100 đồng thì chỉ dùng được 80 đồng, còn 20 là bị đội giá. Như vậy, lãi suất lúc này không chỉ là 0% đến 3% nữa. Cần phải đi sâu nghiên cứu các con số vay này.
Vì vậy, chúng ta phải tính hết tất cả ngọn nguồn một dự án, kế hoạch kinh doanh ra sao, đầu tư trang thiết bị, nguồn tiền vào ra thế nào thì mới xác định dự án có hiệu quả kinh tế hay không. Đây là việc các nhà quản lý phải tính trước khi đi vay tiền về để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Không thể vay nợ mãi
Nếu chúng ta vay nợ nhiều mà không có kế hoạch sử dụng hiệu quả thì con cháu chúng ta sẽ phải gánh phần trả nợ này?
Việc quản lý nhà nước trong nợ công cũng như quản lý nhà nước trong các dự án đầu tư công là vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta đi vay về mà làm tốt việc đầu tư, các cơ sở hạ tầng được xây dựng đó giúp cho kinh tế phát triển thì không có vấn đề gì. Ở đây không chỉ là các con số. Con số nợ công không phải là quan trọng nhất.
Ăn thua chính là khả năng trả nợ của nền kinh tế. Nếu vay trong thời hạn 30 năm nhưng nền kinh tế tăng trưởng gấp 5, 10 thậm chí 20 lần thì nợ để lại cho con cháu không đáng ngại. Lợi ích lúc đó của việc đầu tư một cây cầu là giá trị phát triển kinh tế do cây cầu tạo ra. Khi đó không thể tính lợi ích trực tiếp mà là lợi ích gián tiếp của hạ tầng cơ sở đem lại tiềm năng phát triển cho cả vùng kinh tế.
Có thể nói, việc quản lý hiện nay còn quá lỏng lẻo. Việc thanh, kiểm tra việc sử dụng các số tiền vay đó như thế nào cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa làm rõ được việc tiền bị rò rỉ đến đâu, cũng như chưa làm rõ được việc chống tham nhũng, tiêu cực đã làm đến mức nào.
Theo báo cáo của các bộ ngành trước Quốc hội, chúng ta chưa thật sự chặn đứng được sự rò rỉ, thất thoát, móc ngoặc công trình. Vì vậy, cần làm tốt hơn nữa việc quản lý, quy hoạch, đề bạt, bố trí nhân sự. Nếu không làm được việc này, tiền sẽ tiếp tục bị rò rỉ.
Vài năm tới, chúng ta sẽ phải dành khoản tiền khá lớn để trả nợ. Điều này ảnh hưởng thế nào đến cán cân thanh toán cũng như dự trữ ngoại tệ của đất nước?
Theo Bộ Tài chính, năm tới sẽ phải trả hơn 1 tỷ USD tiền lãi và nợ vay. Số tiền này so với dự trữ ngoại hối của ta thì không lớn lắm. Tuy nhiên, không thể quá dựa vào đi vay nợ.
Theo công bố của tạp chí kinh tế Economist, mức nợ công tính trên đầu người của Việt Nam năm 2010 là 580,91 USD. Nếu so với mức 713,6 USD của Trung Quốc, 743 USD của Indonesia, 4.184 USD của Malaysia, 1.071 USD của Philipinnes thì đây là con số không cao. Tuy nhiên, nếu so mức nợ công bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2001 (xấp xỉ 112 USD) thì trong vòng 10 năm, con số này đã tăng gấp 5 lần. |
Phạm Tuyên thực hiện