Kiểm ngư tập huấn cho ngư dân về chủ quyền biển đảo

0:00 / 0:00
0:00
Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Chi Cục Thủy sản Thanh Hóa, UBND thành phố Sầm Sơn (Thanh Hoá) tổ chức lớp tập huấn cho ngư dân về nội dung tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tại buổi tập huấn, hàng trăm ngư dân tại thành phố Sầm Sơn được xem các thước phim tư liệu về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam; thực trạng về khai thác thủy sản nói chung, khai thác thủy sản tại Thanh Hóa nói riêng. Ngư dân được Ban tổ chức phổ biến hệ thống quy phạm pháp luật về biển đảo, thủy sản; chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…

Theo Chi Cục Thủy sản Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có có khoảng 6.000 tàu cá, trong đó có hơn 1.100 tàu khai thác ở vùng xa bờ, 709 tàu khai thác ở vùng lộng và hơn 4.000 tàu khai thác ở vùng biển ven bờ.

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp tuần tra kiểm soát, xử phạt các tàu cá vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác.

Kiểm ngư tập huấn cho ngư dân về chủ quyền biển đảo ảnh 1

Thông qua lớp tập huấn, bà con ngư dân sẽ được tiếp cận, nâng cao kiến thức về nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác đánh bắt thủy sản

Trong 9 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 3 đợt kiểm tra về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các cảng cá trên địa bàn tỉnh; đã xóa đăng ký 538 tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 76 vụ, tổng tiền xử phạt trên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tàu cá của ngư dân Thanh Hóa có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại buổi tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã đề cập tới các hành vi vi phạm khai thác thủy sản mà ngư dân thường gặp phải như: Vi phạm vùng khai thác; vi phạm giấy phép khai thác thủy sản, nhật ký khai thác thủy sản, vi phạm về treo Quốc kỳ, vi phạm đánh dấu tàu cá; không khai báo sản lượng khai thác… Các hành vi vi phạm nói trên đều bị xử phạt nghiêm khắc với số tiền từ vài triệu đồng thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng căn cứ mức độ, hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, nếu ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, còn chịu mức phạt bổ sung là tịch thu tàu cá, tịch thu thủy sản khai thác, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác; buộc chi trả kinh phí lai dắt tàu về nước.

Theo ông Trung, như trường hợp chủ tàu cá Nguyễn Văn Tuấn (Quảng Xương, Thanh Hóa) bị phạt 932 triệu đồng vì vi phạm quy định khai thác thủy sản là bài học để ngư dân rút kinh nghiệm. Đây là mức phạt nặng và có thể dẫn tới phá sản cho chủ tàu. Do đó, người dân cần lưu ý và chấp hành các quy định trong khai thác thủy sản để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.

Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cũng hướng dẫn chi tiết cho ngư dân quy trình xuất bến, cập cảng (tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải tuân thủ quy định về cập bến và rời bến chỉ định); kiểm tra và thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; hoạt động đúng nghề, vùng ghi trong giấy phép, không sử dụng chất nổ, xung điện để đánh cá; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản cho Ban quản lý cảng cá; duy trì liên tục kết nối thiết bị VMS suốt chuyến biển, không để tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, không vượt sang vùng biển nước ngoài. Tàu cá phải được đánh dấu, treo Quốc kỳ theo đúng quy định.

Ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư cho biết, công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Kiểm ngư nhằm nâng cao hiểu biết cho bà con ngư dân trong khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt là vấn đề tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài; các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm.

Kiểm ngư tập huấn cho ngư dân về chủ quyền biển đảo ảnh 2

Ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư

Thông qua lớp tập huấn, bà con ngư dân sẽ được tiếp cận, nâng cao kiến thức về nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác đánh bắt thủy sản, đặc biệt là không vi phạm vùng biển các nước để khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, thông qua lớp tập huấn, người dân được tiếp thêm động lực tiếp tục vươn khơi bám biển an toàn, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phát triển kinh tế thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Theo ông Phương, để việc tuyên truyền có hiệu quả, Cục Kiểm ngư chú trọng tuyên truyền quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, do trình độ, văn hóa, khả năng tiếp thu kiến thức pháp luật của mỗi người dân có sự khác nhau, nên Cục Kiểm ngư lựa chọn cách thức truyền tải phù hợp hợp nhất, thông qua hình ảnh, clip, tạo nên tính sinh động trong bài giảng giúp ngư dân, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thực tế, qua khảo sát thực tế vẫn còn trường ngư dân chưa tuân thủ quy định trong khai thác thủy sản như: mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, nhật ký khai thác… ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của mình.

Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến đến chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Cục Kiểm ngư mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ tàu cá và ngư dân.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.