Kết quả cho thấy, tại tiểu khu 527, rừng sản xuất do cộng đồng làng H’lim (xã Lơ Pang) quản lý, phát hiện 16 cây bị khai thác có khối lượng 19,9m3. Tại tiểu khu 534, rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng quản lý, phát hiện 1,5m3 gỗ bị phá. Riêng số gỗ tập kết thành bãi lớn, lâm tặc đã tẩu tán khỏi hiện trường.
Theo ông Sơn, để xảy ra việc phá rừng, trước tiên trách nhiệm thuộc về kiểm lâm địa bàn vì không báo cáo vụ việc, đồng thời còn là trách nhiệm của chủ rừng. Riêng về phần Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang thì “cùng lắm là cảnh cáo”, ông Sơn nói.
Đáng nói, trước đó vào chiều 6/7, khi nhóm phóng viên đến cung cấp hình ảnh về cánh rừng tại xã Lơ Pang bị tàn phá, một cán bộ của Hạt kiểm lâm Mang Yang từ chối tiếp nhận thông tin với thái độ thiếu trách nhiệm.
Về vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Như Phi- Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Để phát hiện một điểm rừng bị phá phải trèo đèo, lội suối rất khó khăn, việc nhận được tin báo là rất đáng quý, hoan nghênh. Đằng này, Kiểm lâm Mang Yang lại thờ ơ, thể hiện sự vô trách nhiệm. Lẽ ra, cán bộ kiểm lâm đó phải ghi lại cẩn thận vào sổ sách, sau đó báo cho lãnh đạo xử lý sự việc.
“Tôi đã báo với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về vấn đề này nhằm có biện pháp chấn chỉnh, thay đổi thái độ của cán bộ kiểm lâm trên. Nếu nhận được thông tin phá rừng bất cứ vào thời điểm nào, dù không phải giờ hành chính cũng phải làm”, ông Phi nói.