Kiểm điểm vụ trồng cây xanh để nguyên bầu nilon trong tháng 8

Cây xanh bị nghiêng đổ trên đường Dương Đình Nghệ.
Cây xanh bị nghiêng đổ trên đường Dương Đình Nghệ.
TP - Liên quan đến việc Hà Nội cho công bố danh sách các doanh nghiệp, đơn vị trồng cây xanh bị đổ, bật gốc đặc biệt còn lộ nguyên vỏ bọc ni lông, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đã đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm điểm trách nhiệm việc trồng cây không đảm bảo kỹ thuật.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, cùng với công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị trồng cây xanh bị đổ, bật gốc sau cơn bão số 1 vừa qua, Sở đã có báo cáo thành phố về kế hoạch triển khai khắc phục. 

Hiện toàn bộ số cây mới trồng bị đổ đã và đang được các đơn vị quản lý cây xanh dựng lại, chăm sóc. Đối với cây đổ, bật gốc hoặc nghiêng còn bầu rễ sẽ cắt bớt cành, lá, đào hố, bồi đất mầu dựng lại và gông chống chắc chắn. Đối với cây bật gốc không còn bầu rễ sẽ cẩu chuyển về vườn ươm duy trì, chăm sóc, khi đủ điều kiện thì mang ra trồng lại trên đường phố.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đối với những trường hợp được báo chí, dư luận phản ánh về việc cây xanh bị đổ, bật gốc còn nguyên vỏ bọc bầu bằng lưới nhựa, túi ni lông đã được Sở đã kiểm tra, xác minh. “Những chủ đầu tư, đơn vị thi công trồng cây có hiện tượng còn nguyên bọc chúng tôi đã công khai danh sách.

 Đồng thời, Sở cũng đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Hà Đông, UBND quận Cầu Giấy kiểm điểm trách nhiệm của các ban quản lý dự án quận trong công tác quản lý, giám sát các đơn vị trồng cây không đảm bảo kỹ thuật, báo cáo trong tháng 8 này”, vị cán bộ cho biết.

Công bố rồi sao nữa?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho hay, vừa qua lượng cây xanh ở tuyến đường Đại lộ Thăng Long bị đổ, bật gốc rất lớn. Cụ thể, có 2.767 cây lát hoa bị đổ, bật gốc tại tuyến đường này. 

“Nhưng dự án này Ban đã bàn giao cho thành phố Hà Nội từ lâu nay từ hạ tầng đến cây xanh hai bên tuyến đường. Hiện có nhiều cái đã hết bảo hành lâu rồi. Khi trồng và bàn giao cây xanh phải trong điều kiện sống thì họ mới ký biên bản nhận bàn giao, còn chết cây nào thì đơn vị trồng phải trồng thay thế”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Lương An, Trưởng Ban Quản lý dự án khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) cho biết, sau khi Sở Xây dựng công bố kết quả kiểm tra xác minh tại tuyến đường Trần Phú và Nguyễn Văn Trỗi thuộc quận Hà Đông có hiện tượng cây đổ, bật gốc vẫn lộ nguyên bọc ni lông đơn vị đã yêu cầu Cty TNHH công viên cây xanh Hà Đông làm báo cáo giải trình. 

“Trong hợp đồng trồng cây với các đơn vị thi công đã quy định rõ chỉ quyết toán đối với những cây còn sống, nên nếu sau khi trồng cây có chết thì đơn vị đó phải trồng lại. Trường hợp họ trồng cây không đảm bảo kỹ thuật họ cũng phải chịu trách nhiệm”, bà An nhấn mạnh.

Điều đáng nói, trong danh sách Sở Xây dựng công bố về hiện tượng trồng cây vẫn còn nguyên vỏ bọc bầu bằng lưới nhựa có dự án được hoàn thành năm 2010 nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Cụ thể, kiểm tra xác minh cho thấy cây trồng tại đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) do chủ đầu tư là Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy, còn đơn vị thi công là liên danh UDIC và LIDEC02. “Ở tuyến đường này theo công bố của Sở Xây dựng có 6 cây bị đổ, còn việc cây trồng vẫn còn lộ nguyên vỏ bọc bầu thì chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo làm rõ trách nhiệm”, vị cán bộ cho biết. 

Theo các chuyên gia, việc trồng cây mà để nguyên vỏ bầu bằng chất liệu không tự phân hủy như lưới nhựa, túi ni lông là phản khoa học. Thông thường, sau khi đánh cây để mang đi trồng ở địa điểm mới thì công nhân thường quấn vỏ bọc bầu đất cho cây để giữ độ ẩm và giữ cho bầu đất được chắc chắn không bị vỡ. Nhưng khi tiến hành trồng cây, nếu là vỏ bầu không tự phân hủy vẫn giữ nguyên sẽ ảnh hưởng tới việc ra rễ non và sinh trưởng của cây.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.