Lâm Đồng:

Kiểm điểm nhiều lãnh đạo vì giải ngân vốn đầu tư công thấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 5 đơn vị sở, ngành và 6 địa phương ở Lâm Đồng có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mặt bằng chung của toàn tỉnh, bị buộc giải trình kiểm điểm trách nhiệm.
Kiểm điểm nhiều lãnh đạo vì giải ngân vốn đầu tư công thấp ảnh 1

Dự án xây dựng Sân vận động Đà Lạt bị chậm tiến độ thời gian dài.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất với báo cáo của Sở Nội vụ về kết quả kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân tại 5 sở, ngành và 6 địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh này đạt 78,6%, trong đó, 5 sở ngành với 21 dự án và 6 địa phương với 42 chương trình - công trình - dự án có tiến độ giải ngân thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT) có 9 dự án, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 7 dự án, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cùng có 2 dự án, Ban quản lý khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm 1 dự án.

Kiểm điểm nhiều lãnh đạo vì giải ngân vốn đầu tư công thấp ảnh 2

Dự án hồ chứa nước Ta Hoét cũng chậm tiến độ.

Đối với các địa phương, UBND TP Bảo Lộc có tới 18 công trình, dự án có tiến độ giải ngân thấp. Kế đến là UBND huyện Đạ Tẻh với 9 dự án; UBND huyện Lạc Dương 5 chương trình, dự án; UBND huyện Cát Tiên có 4 công trình, dự án; UBND huyện Đơn Dương và UBND huyện Đức Trọng cùng có 3 công trình, dự án.

Như báo Tiền Phong đã thông tin, dự án đầu tư hạ tầng khu thể thao thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao tỉnh triển khai rất chậm, kéo dài nhiều năm, nhất là hạng mục xây dựng sân vận động Đà Lạt.

Theo lý giải của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, cũng như việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện phụ thuộc vào các đơn vị liên quan, thời gian giải quyết kéo dài.

Mặt khác, dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng lớn đến công tác huy động nhân lực, vật tư, thiết bị thi công của các nhà thầu; cùng với việc giá vật liệu, xăng dầu tăng cao dẫn đến thi công chậm tiến độ, không có khối lượng để giải ngân; phát sinh, bổ sung hạng mục, khối lượng xử lý kỹ thuật ngoài hợp đồng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Các dự án chậm tiến độ của ngành giáo dục tập trung vào lĩnh vực xây dựng trường lớp. Nguyên nhân chủ yếu do vướng cơ chế về bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc thời tiết mưa nhiều khiến đơn vị thi công không có đủ nhân công, máy móc để thực hiện đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch vốn được bố trí.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp tục làm rõ trách nhiệm giám đốc và phó giám đốc phụ trách, chủ tịch và phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực của các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh (nhưng chưa thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo); đồng thời theo dõi việc xây dựng kế hoạch khắc phục của các đơn vị.

Mặt khác, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp xử lý, đánh giá xếp loại cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, có tỷ lệ giải ngân thấp.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.