Kịch xiếc 'Sông trăng' loay hoay làm mới

Ê kíp “Sông trăng” hứa hẹn chỉnh sửa, hoàn thiện hơn nữa. Ảnh: LĐX.
Ê kíp “Sông trăng” hứa hẹn chỉnh sửa, hoàn thiện hơn nữa. Ảnh: LĐX.
TP - Nghe đâu những người làm chương trình Sông trăng hứa hẹn “hay hơn cả Làng tôi, À ố show”. Đêm tổng duyệt 16/12 chưa thuyết phục giới làm nghề và cả cánh phóng viên.

Sông trăng cùng mục đích với hai vở diễn trước đó là Làng tôi, À ố show đều hướng đến khách quốc tế: Thực tế khá phũ phàng khi Tây khen, ta chê kịch xiếc dạng này. NSƯT Tạ Duy Ánh là tác giả kịch bản, chỉ đạo nghệ thuật. Sông trăng có thời lượng 65 phút với tham vọng tạo nên không gian văn hoá đậm chất dân tộc. Các loại hình được đưa vào nào xiếc, múa đương đại, nghệ thuật sắp đặt, âm thanh, ánh sáng.

Đúng lời hứa, những gì đặc trưng của làng quê đều xuất hiện trên sân khấu: Cày cấy, câu cá, đánh cá, mò cua bắt ếch, dựng cầu tre, tập võ, chợ quê, múa sen… Những người sáng tạo lấy ý tưởng dòng sông quê luôn là ký ức khó quên để làm mạch xuyên suốt 65 phút. Một nhạc sỹ sau khi xem xong thắc mắc “sông gì chảy từ Bình Định lên vùng cao”. Một thành viên trong ê kíp sáng tạo chia sẻ, khán giả sẽ thấy những nét văn hoá mộc mạc từ miền Trung đến ra đồng bằng Bắc bộ cho đến văn hoá vùng cao, không bó hẹp một vùng miền nào.

“Càng xem Sông trăng tôi càng nhớ Làng tôi”, một đồng nghiệp nói nhỏ với tôi. Hai phần ba thời lượng diễn ra khá chậm, đều và đơn điệu. Những cảnh nhào lộn, múa, bê đỡ là chủ đạo, chưa thấy những kỹ thuật khó. Dù có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng người xem chờ đợi những kỹ thuật khó của xiếc được đưa vào uyển chuyển, khiến khán giả hồi hộp. Kỹ thuật quen thuộc của xiếc như đi trên con lăn được vận dụng vào để diễn tả cảnh đi câu, soi ếch. Tuy nhiên, khán giả chưa thấy sự tinh tế, khéo léo trong kỹ thuật biểu diễn của diễn viên. Một số kỹ thuật khác cũng cho thấy ê kíp diễn viên này cần thêm nhiều thời gian nếu muốn chinh phục khán giả, nhất là đối tượng đích-khách du lịch quốc tế.

Làng tôi cũng sinh ra từ Liên đoàn xiếc Việt Nam, tuy nhiên là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam với Pháp. Chưa kể đội ngũ xuất sắc từ đạo diễn Tuấn Lê, chuyên gia âm thanh Nguyễn Nhất Lý và các nghệ sỹ, kỹ thuật được tuyển chọn kỹ lưỡng đưa vở diễn lên đẳng cấp khác. Cũng tre nứa, thúng mủng, nón lá nhưng Làng tôi đạt đến sự mềm mại, kịch tính đầy thu hút và khiến người xem rung động. Vừa qua, ê kíp diễn viên vở Làng tôi đồng loạt xin thôi việc tại Liên đoàn Xiếc.

Một nhạc sỹ trong nghề chê âm nhạc đơn điệu. Ánh sáng cũng là điểm trừ khi điểm nhấn trên sân khấu trở nên nhòe nhoẹt, nhờ nhờ. “Kinh phí khiêm tốn nên muốn hoành tráng cũng không được, đến ánh sáng cũng phải đi nhờ người này người kia”, một thành viên phân trần. Đoàn phải thuê địa điểm tổng duyệt là Nhà văn hóa học sinh sinh viên ở hồ Thiền Quang, cho nên phông nền, ánh sáng không đảm bảo như ý tưởng ban đầu.

MỚI - NÓNG