Kịch bản tăng trưởng khi dịch bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là một trong những giải pháp giúp giữ đà tăng trưởng GDP năm 2021 Ảnh: Như Ý
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là một trong những giải pháp giúp giữ đà tăng trưởng GDP năm 2021 Ảnh: Như Ý
TP - Ðối diện với làn sóng dịch bệnh mới, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào? Người yếu thế và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ những gì trong bối cảnh này? Rất nhiều câu hỏi cần được các bộ, ngành, các địa phương giải đáp...

Ngày 5/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói, đợt bùng phát dịch lần này có nhiều điểm khác so với trước (về chủng loại với tốc độ lây lan nhanh chóng, phức tạp hơn). Số ca bệnh trong cộng đồng phân bổ với phạm vi rộng ở nhiều địa phương trên cả nước. Mặc dù Việt Nam có ý thức vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhưng dịch bệnh hiện nay gây ra nhiều lo lắng.

Một trong những giải pháp mới nhất trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa được Chính phủ ban hành là Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Theo đó, đối với thuế VAT, doanh nghiệp được gia hạn 5 tháng cho số thuế VAT từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021; gia hạn 4 tháng cho số thuế của tháng 7 năm 2021 và gia hạn 3 tháng với số thuế tháng 8 năm 2021. Đối với thuế TNDN, doanh nghiệp được gia hạn thuế quý 1, quý 2 với thời gian 3 tháng.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, nghị định trên sẽ giúp nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 có nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nghị định đã đề xuất rõ từng sắc thuế và thời gian được gia hạn giúp doanh nghiệp và người nộp thuế nắm rõ hơn chính sách để thụ hưởng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc thực hiện gia hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc Chính phủ cho doanh nghiệp được gia hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất lúc khó khăn là động thái rất trúng và cần thiết; qua đây không chỉ hỗ trợ cho sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn tạo hiệu ứng xã hội rất tốt. Bởi nếu doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc, hệ lụy lớn tới các vấn đề xã hội.

“Những người bị mất việc làm vì COVID-19 cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Cơ quan chức năng chưa cần can thiệp chính sách vĩ mô như nới lỏng tiền tệ hay nới lỏng tài khóa để kích tăng trưởng trong giai đoạn này”.

PGS.TS Phạm Thế Anh

Bộ KH&ĐT đã đưa ra dự thảo đề cương gói hỗ trợ kích thích kinh tế lần thứ 2, thế nhưng nhiều bộ, ngành khác đến nay vẫn chưa gửi góp ý. Bên cạnh đó, trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng tăng trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường; nhất là nguyên vật liệu, đầu vào sản xuất như: Sắt, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi. Từ đó, cơ quan chức năng đánh giá tác động đến nền kinh tế, đầu tư công; kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá, nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.

Cần đầu tư công nhưng tiến độ lại chậm

Theo ông Trần Quốc Phương, trong giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP, việc giải ngân dự án đầu tư công hiện nay vẫn còn chậm. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm 2021. Cả nước có tới 31 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn theo kế hoạch năm 2021. Bộ KH&ĐT kiến nghị thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư công. Sau khi thành lập, dù giải ngân đầu tư công chậm nhưng chưa có địa phương nào kiến nghị xử lý khó khăn để tổ công tác hỗ trợ.

“Bộ KH&ĐT cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP theo từng quý, các giải pháp để tăng trưởng kinh tế đã vạch ra. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bộ, ngành địa phương kiên trì thực hiện giải pháp đã đề ra. Kết quả của giải pháp tăng trưởng cũng giống như bệnh nhân đi chữa bệnh, tiêm thuốc xong phải chờ thời gian vài ngày mới có hiệu quả. Chúng ta phải chờ độ trễ của chính sách mới đo đếm kết quả”, ông Phương nói.

Trước đó, đầu tháng 4/2021, Bộ KH&ĐT cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 4,48%, cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong báo cáo tháng 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Do đó, để GDP năm 2021 đạt mức 6,5%, quý 2/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng gần 7,2%; quý 3 cần tăng gần 6,8% và quý 4 cần tăng gần 7,2%.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 ở nhiều địa phương trên cả nước, cơ quan chức năng hỗ trợ đối tượng yếu thế. Ưu tiên hỗ trợ người mất việc làm, tiểu thương, chủ cửa hàng, nhân viên hàng quán dịch vụ phải đóng cửa vì COVID-19.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.