Nỗi đau Chanchu
Với người dân vùng ven biển Quảng Ngãi, mỗi cơn bão đi qua đều để lại nhiều câu chuyện đau buồn. Ngày 19/5/2006 bão Chanchu đổ bộ, cả làng chài (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) tan hoang, nhà nào cũng thiệt hại nặng nề. Nhưng tin tức dội về từ biển khơi mới thật sự đánh gục họ. Những chiếc tàu cá bị chìm 22 ngư dân mãi mãi nằm lại biển khơi nơi mà họ xem là ngôi nhà thứ 2.
Ông Võ Sáu (80 tuổi, trú thôn Tân An, xã Nghĩa An) thở dài, nhớ lại khi đó nghe tin từ ngoài khơi cả làng như chết lặng, ai cũng cầu trời không phải tàu có người thân mình đi. Rồi tin dữ ập đến, gia đình ông và dòng họ mất tổng cộng 7 người vì bão ChanChu. “Giờ nghe bão là sợ lắm, năm nào cũng vậy, cứ hễ có bão lại càng nhớ về con, cháu”, ông Sáu rơm rớm nước mắt.
Dò dẫm từng bước chân tiến đến bàn thờ, thắp nén hương cho con, ông Sáu nhìn di ảnh mà đau xót. Nếu anh Minh con ông Sáu còn sống năm nay đã gần 40 tuổi và đã lập gia đình, ông cũng đã có cháu. “Nó mất rồi… bão gió năm nào hàng xóm cũng qua chằng chống nhà giúp. Nghe bão to mà cứ nhớ nó miết”, ông Sáu thẫn thờ.
Ông Võ Sáu ngồi thẩn thờ nhớ về ký ức. |
Cách nhà ông Sáu không xa, bà Đinh Thị Nhanh (63 tuổi, trú thôn Tân An, xã Nghĩa An) chuẩn bị di chuyển sang nhà hàng xóm trú bão. Ở thôn Tân An, nỗi đau của bà lớn nhất khi cùng lúc mất 3 người con trong đợt bão ChanChu.
“Ngày ấy, cứ mỗi lần có tín hiệu từ Icom là cả làng tụ lại nghe. Tôi vẫn nhớ như in, tàu cá địa phương thông báo, tàu QNg 7053 bị chìm rồi, chúng tôi đang cố gắng vượt bão để tìm các anh ấy. Thôi tắt máy để anh em tìm, gió ngoài này to lắm không nghe được gì”, bà Nhanh nhớ lại.
Giữa biển cả mênh mông, cuộc tìm kiếm vô vọng, mỗi lần nghe Icom bà lại gào thét: “Còn nước còn tát, mong anh em cố tìm 3 con tôi và các anh em trên tàu, biết đâu họ bám được vào phao đang trôi dạt. Cả làng biển nín thở chờ đợi, nhưng tất cả vô vọng”, bà Nhanh kể.
Bà Nhanh kể rằng lúc đó nếu dự báo hướng bão chính xác hơn có lẽ 3 người con của bà vẫn còn sống, nhưng vì dự báo không đúng nên đi né bão mà không biết đang đi vào tâm bão. “Dự báo chính xác cực kỳ quan trọng để tránh bão. Bốn tiếng trước khi mất liên lạc, tàu vẫn Icom về thông báo sắp vào bờ. Ai mà ngờ… đó là lần cuối cùng tôi không còn gặp lại những người con”, bà Nhanh gạt nước mắt.
Ông Sáu thắp nén nhang cho con trước khi đi sơ tán tránh bão Noru |
Ông Võ Ốc, chồng bà Nhanh mò mẫm thu dọn đồ đạc, tài sản để đi sơ tán bão Noru khiến ông nhớ lại hình ảnh những 3 người con lên tàu ra khơi rồi vĩnh viễn không trở về. Chiếc tàu xấu số QNg 7053 ấy cũng là tài sản cả đời gia đình ông Ốc tích góp được và giao lại cho 3 người con ra khơi bám biển. Con tàu QNg 7053 dọc ngang các vùng biển, nhưng rồi nó không thể trụ vững trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão Chanchu.
Bánh lái tàu bị dây thừng trôi dạt quấn vào, sức gió quá lớn trong khi con tàu không thể di chuyển được. Thế là, bão đến nhấn chìm mọi thứ. “Biết thế tôi không cho con cùng lúc 3 đứa lên một tàu để đi. Trời không thương vợ chồng tôi, không để lại cho ông đứa con làm chỗ dựa tuổi xế chiều”, ông Ốc buồn bã nói.
Một mình nuôi 6 người con
Đến chiều (27/9), người dân ở các làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi hầu như đã hoàn tất việc chằng chống nhà cửa, di dời và sơ tán. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người trong số đó lại cảm thấy lo sợ, thấp thỏm trước cơn bão Noru được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Họ lo sợ những điều không may xảy đến.
Gần 16 năm rồi sống một mình, bà Cao Thị Lâu (62 tuổi, thôn Tân An, xã Nghĩa An) cho hay, ông Lách chồng bà đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi trong trận bão Chanchu. Bà bảo rằng: “Sau những ngày đau thương vì chồng, bà phải gồng gánh, mò cua bắt ốc nuôi 6 người con ăn học đến nơi đến chốn”.
Các con bà giờ cũng đã lớn, ai cũng thương mẹ, mỗi lần bão về biết mẹ sẽ buồn vì nhớ cha nên quanh quẩn trong nhà để động viên mẹ. “Chồng tôi sức khỏe yếu, đáng lẽ ra không nên đi biển, nhưng vì gánh nặng nuôi mấy đứa con, nghe chủ tàu gọi đã xách áo quần, lưới ra khơi… Rồi ông mãi không trở về. Nếu như được dự báo chính xác và phòng chống bão như hiện nay, bão to như Chanchu cách đây 16 năm thì chồng bà chắc sẽ không nằm lại ở biển khơi”, bà Lâu bật khóc.
“Tôi luôn dặn lòng cố quên, sống vui cùng con cháu, nhưng mỗi khi biển nổi sóng to, đài truyền thanh báo bão từ khơi xa thì đầu tôi không thể nào quên được chồng, cứ nhắm mắt lại hình bóng ổng lại ùa về. Chừng ấy thời gian rồi nhưng lòng cứ như hôm qua. Mong bão tan sớm, không làm một ai ở đất này thêm đau nữa”, bà Lâu bồi hồi.
Tiếng loa lưu động át đi tiếng mưa gió, những thông tin báo bão Noru dồn dập, người dân ai cũng chú ý lắng nghe. Nỗi đau trong quá khứ khiến bà con hiểu, phải nắm được thông tin chính xác để giảm thiểu thiệt hại.
Bà Cao Thị Lâu (bìa phải) nhớ về quá khứ trước ngày đón siêu bão Noru. |
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần có bão, hằng trăm người phụ nữ nơi làng biển xã Nghĩa An lại thấp thỏm, lo âu, nhiều người phải thức trắng đêm để nghe tin bão. Thiên tai, lòng người thêm trăn trở bởi những chuyến biển sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn.
Và không chỉ bão Chanchu mà những trận thiên tai khác trong thời gian qua cũng đã cướp đi của vùng đất này bao nhiêu trai tráng. Nhiều số phận như bà Lâu cũng cố gắng sống và bước qua nỗi đau mất mát.
Lãnh đạo UBND xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) cho biết, đặc thù xã có nhiều hộ kinh doanh thủy sản, ngư dân nên mỗi mùa mưa bão, công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân phòng chống bão được đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, thiệt hại địa phương trong các trận mưa bão giảm, nhưng còn rất nhiều trường hợp mất mát người thân, tài sản từ các trận bão trước, như Chanchu... vẫn rất khó để có thể ổn định cuộc sống.
Trước giờ đón bão Noru, khắp các làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi tiếng gió, sóng biển đã gào rú liên tục… thêm một trận bão lớn lại đang đến gần với người dân nơi đây với nỗi lo thường trực.