Sue O’Connor, tới từ Đại học Quốc gia Australia, tìm thấy một món đồ tạo tác tinh xảo, dài 13 cm và có nguồn gốc khoảng 44.000 năm trước Công nguyên trong hang đá ở vùng Kimberley, Tây Australia, New Scientist hôm 18/11 đưa tin. Hình dạng của nó giống chiếc khuyên đeo xuyên vách ngăn mũi, vì thế đây có thể là đồ trang sức bằng xương lâu đời nhất thế giới do con người chế tạo.
Mảnh xương thủ công được tìm thấy ở Australia. Ảnh:Michelle Langley.
Michelle Langley, đồng nghiệp của O’Connor, đã sử dụng kính hiển vi để phân tích hiện vật. Kết quả cho thấy, các vết xước và vết nhuộm màu đất son đỏ ở bên cạnh vật thể được tạo ra bởi công cụ bằng đá.
Sau khi so sánh với kim khâu và đồ trang sức làm từ thế kỷ 19, 20 của thổ dân bản địa, nhóm nghiên cứu tin rằng mảnh xương thủ công giống vật trang sức hơn là một công cụ. Vết nứt trên hiện vật phù hợp với giả thuyết một hành động đẩy và vặn mạnh đã khiến đầu nhọn bị gãy, có thể là khi nó được đâm xuyên qua vách ngăn mũi của con người. Hình dạng, cách nhuộm màu đất son và kiểu đeo này rất giống với khuyên mũi bằng xương hiện đại.
Kỹ thuật chế tạo đồ thủ công từ xương ban đầu phát triển ở châu Phi. Những người đầu tiên đến Australia có thể đã mang theo kỹ thuật này và thay đổi nó cho phù hợp với xương động vật ở đây. Xương loài kangaroo rất cứng, khỏe và dễ xuyên qua, vì thế chúng được sử dụng thay thế cho sừng và ngà voi.
"Phát hiện này rất quan trọng vì nó đem đến cho chúng ta thông tin về những cư dân đầu tiên ở Australia", Langley nói.
Trước đây, rất hiếm công cụ và trang sức bằng xương thời cổ đại được tìm thấy ở Australia, dẫn đến giả thuyết là những người dân bản địa ban đầu đã quên mất kỹ năng mà họ mang tới từ châu Phi.
"Mảnh xương thủ công, dù dùng làm khuyên mũi hay kim khâu, thì đều chứng tỏ rằng những cư dân đầu tiên ở Australia cũng có khả năng thực hiện các hành động phức tạp như người nơi khác", Ian Lilley, trường Đại học Queensland, nhận xét.