Khủng hoảng vì Covid-19, bác sĩ Italy phải chọn bệnh nhân nào được sống

Một nhân viên tang lễ Italy đeo khẩu trang trong đám tang của bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Một nhân viên tang lễ Italy đeo khẩu trang trong đám tang của bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Reuters)
TPO - Khi dịch Covid-19 lan rộng, giường bệnh trở nên khan hiếm. Mỗi khi có giường nào trống, các bác sĩ chuyên khoa bàn với chuyên gia về hồi sức và nội khoa để quyết định xem ai sẽ được vào nằm. 

Có thời điểm, các bác sĩ trong khu chăm sóc tích cực của bệnh viện Policlinico San Donato gọi điện cho người nhà của 25 bệnh nhân Covid-19 để thông báo về diễn biến xấu của bệnh nhân.

Tất cả họ đều được truyền thuốc an thần và đặt ống nội khí quản mới thở được. 

Giờ ăn trưa thường là giờ người nhà được vào thăm người thân trong viện. Nhưng nay, khi cả nước đang đối mặt với dịch Covid-19, không ai được phép vào viện. Và cũng không ai ở nước này được phép ra khỏi nhà nước trong bối cảnh Italy đã có hơn 2.000 người chết vì virus. 

Khi gọi điện, các bác sĩ cố gắng không tạo ra hy vọng không có thật. Họ biết rằng 1 trong 2 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt có thể sẽ không qua khỏi. 

Khi dịch Covid-19 lan rộng, giường bệnh trở nên khan hiếm. Mỗi khi có giường nào trống, các bác sĩ chuyên khoa bàn với chuyên gia về hồi sức và nội khoa để quyết định xem ai sẽ được vào nằm. 

Tuổi tác và những bệnh sẵn có là các yếu tố quan trọng. Gia đình cũng là yếu tố được tính đến. 

“Chúng tôi  phải tính xem liệu các bệnh nhân lớn tuổi có được thân nhân chăm sóc sau khi rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt hay không, vì họ cần giúp đỡ”, ông Marco Resta, phó trưởng khoa chăm sóc tích cực của bệnh viện Policlinico San Donato, cho biết. 

Ngay cả khi không có cơ hội nào, các bác sĩ ở đây vẫn phải nhìn vào mặt bệnh nhân và nói: “Mọi thứ vẫn tốt”, dù đó là lời nói dối. 

Cuộc khủng hoảng y tế có sức tàn phá kinh khủng nhất xảy ra ở Italy kể từ Thế chiến 2 đang buộc các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình họ phải đưa ra những quyết định mà ông Resta, một cựu bác sĩ quân y, nói rằng ông chưa từng trải qua ngay cả trong thời chiến. Tính đến ngày 16/3, Italy có 2.158 người đã chết và 27.980 người nhiễm virus Sars-CoV-2, con số cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc. 

Bác sĩ Resta cho biết 50% số bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt sắp chết, trong khi tỷ lệ tử vong ở những khoa tương tự trên cả nước là 12-16%. 

Các bác sĩ cảnh báo vùng miền bắc Italy, nơi có hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng được đánh giá là thuộc nhóm tốt nhất thế giới, đang là tiền đạo trong cuộc khủng khoảng bao trùm cả thế giới. 

Covid-19 đã làm tê liệt mạng lưới bệnh viện ở vùng này, đẩy các khoa chăm sóc đặc biệt vào tình trạng quá tải. 

Chỉ trong 3 tuần, 1.135 người ở Lombardy cần điều trị đặc biệt, nhưng ở đây chỉ có 800 phòng như vậy, ông Giacomo Grasselli, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Policlinico ở Milan, cho biết. Ông Grasselli là người điều phối tất cả các khoa chăm sóc đặc biệt trên khắp vùng Lombardy.

Tình trạng đó không có gì mới mẻ đối với ngành y. Khi điều trị cho các bệnh nhân khó thở, các bác sĩ phải đánh giá khả năng phục hồi trước khi đặt nội khí quản. 

Nhưng số lượng bệnh nhân cao vọt khiến các bác sĩ phải lựa chọn xem ai có cơ hội sống cao hơn để ưu tiên. 

“Trước đây chúng tôi không phải đưa ra những quyết định quyết liệt như vậy”, ông Resta, bác sĩ gây mê 48 tuổi, kể. 

Nhiều người phải chết ở nhà

Các bác sĩ Italy nói rằng có quá nhiều bệnh nhân Covid-19 cao tuổi đang gặp vấn đề về thở, nên họ không thể trao cơ hội cho những ai ít có cơ hội hồi phục. 

Ông Alfredo Visioli là một trong những bệnh nhân như thế. Khi được chẩn đoán nhiễm bệnh, cụ ông 83 tuổi sống ở TP Cremona này sống một cuộc sống năng động cùng chú chó giống Đức Holaf. Ông phải chăm sóc cho người vợ 79 tuổi Ileana Scarpanti, sau khi bà bị đột quỵ cách đây 2 năm, cô cháu gái Marta Manfredi kể. 

Ban đầu, ông Visioli chỉ bị sốt ngắt quãng, nhưng 2 tuần sau ông được chẩn đoán mắc Covid-19. Ông bị xơ phổi nên rất khó thở. 

Các bác sĩ ở bệnh viện của Cremona, một thị trấn với khoảng 73.000 dân thuộc vùng Lombardy, phải quyết định có đặt ống nội khí quản để giúp ông thở dễ hơn hay không.

“Họ nói không có hy vọng”, cô Manfredi nói.

Manfredi nói rằng cô muốn nắm lấy tay ông khi ông đang được tiêm morphine để ngủ trước khi qua đời. 

Giờ Manfredi rất lo cho bà. Bà Ileana cũng đã nhiễm bệnh và phải nằm viện. Dù bà vẫn đang thở tốt với mặt nạ ô-xy, nhưng bà không biết rằng chồng bà đã qua đời. 

Ông Grasselli, điều phối viên các khoa điều trị tích cực của vùng Lombardy, tin rằng tất cả bệnh nhân có cơ hội hồi phục đã được điều trị. 

Nhưng ông nói thêm rằng cách làm này đang gặp khó khăn. “Trước đây, chúng tôi phải nói với một số người: Hãy cho họ cơ hội trong vài ngày. Nhưng giờ chúng tôi phải rõ ràng hơn”, ông nói. 

Thứ Sáu tuần trước, Thị trưởng Fidenza, một thành phố nằm ngoài vùng Lombardy, đóng các bệnh viện địa phương trong 19 giờ đồng hồ vì có quá nhiều bệnh nhân Covid-19 và các nhân viên y tế đã làm việc liên tục 21 ngày không nghỉ. Việc đóng cửa này là nhằm duy trì hoạt động của bệnh viện nhưng cũng có nghĩa là một số người phải “chết ở nhà”, Thị trưởng Andrea Massari nói. 

Theo theo Reutets
MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...