> Kinh hoàng công nghệ chế vỏ nang thuốc ở Trung Quốc
Đây là hậu quả tất yếu khi chỉ tính từ năm 2004, Trung Quốc đã xảy ra 2.300 vụ bê bối liên quan đến thực phẩm, trong đó có 10 vụ được liệt vào dạng nguy hiểm nhất như sữa nhiễm độc chất melamine, dầu ăn làm từ nước cống, giá đỗ gây ung thư, bánh bao nhân bìa cáctông, thịt lợn phát sáng...
Hai đô thị lớn nhất Trung Quốc là thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải nằm trong top 10 nơi có thực phẩm bẩn nhất với Bắc Kinh ở vị trí số một và Thượng Hải xếp thứ tư.
Tất nhiên, nguyên nhân đầu tiên là do các nhà sản xuất, những người đã đánh mất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp khi chỉ chăm chăm tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá và cố tình coi nhẹ tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Không chỉ phản ánh thực trạng xuống cấp về đạo đức, các vụ thực phẩm nhiễm bẩn được tiến hành một cách trắng trợn và liều lĩnh còn chứng tỏ sự thiếu nhận thức pháp luật của những kẻ muốn làm giàu một cách bất chính.
Tuy nhiên, không thể quên một nguyên nhân quan trọng khác là nền tảng pháp lý an toàn vệ sinh của Trung Quốc vẫn còn quá nhiều lỗ hổng. Có quá nhiều cơ quan phụ trách về lĩnh vực này đã tạo nền sự chồng chéo trong công tác quản lý, làm giảm hiệu quả của việc giám sát kiểm tra.
Tiếp đến là sự tham lam, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong ngành này đã tiếp tay cho các doanh nghiệp sản xuất ra thực phẩm nhiễm bẩn để kiếm lời.
Thực trạng này đã buộc Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây phải siết chặt lại các quy định về an toàn thực phẩm, đồng thời cơ cấu lại hoạt động bộ máy kiểm tra.
Tuy nhiên, dù cho chính phủ đang hết sức nỗ lực song kết quả khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu và đại học công nghệ Hoa Đông mới đây cho thấy, hơn 70% người được hỏi đánh giá thực phẩm trong nước không an toàn và 28% nói rằng “cực kỳ mất an toàn”.
Sự mất lòng tin còn thể hiện rõ qua việc mới đây một trang web về cảnh báo thực phẩm độc hại đã sập mạng vì được truy cập quá nhiều. “Nước đến chân mới nhảy”, có vẻ như Bắc Kinh đã chậm một bước khi để mọi việc diễn biến quá tồi tệ mới bắt tay vào chấn chỉnh. Tuy nhiên “muộn còn hơn không”.