Khủng hoảng Belarus phủ bóng thượng đỉnh Mỹ - Nga

0:00 / 0:00
0:00
Ông Joe Biden, khi đang là phó tổng thống, chụp ảnh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva năm 2011. Ảnh: AP
Ông Joe Biden, khi đang là phó tổng thống, chụp ảnh cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva năm 2011. Ảnh: AP
TP - Cuộc khủng hoảng bất thường do Belarus vừa tạo ra có nguy cơ đưa cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng ở quốc gia này lên thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga dự kiến vào giữa tháng 6.

Trong cuộc gặp tại Thụy Sĩ vào ngày 16/6, ông Biden có thể sẽ chất vấn vai trò của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vụ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trấn áp mạnh tay những người đối lập, sau khi chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm ngoái vấp phải nhiều phản đối và dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình.

Tuần trước, chính quyền Belarus yêu cầu một máy bay dân sự chuyển hướng và hạ cánh xuống Minsk để bắt một nhà báo đối lập trên máy bay. Vụ việc có thể sẽ trở thành vấn đề nóng trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ. “Tôi cho rằng Belarus sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Putin, nhưng tôi nghĩ cần nhìn Belarus với bối cảnh rộng lớn hơn trong quan hệ với Nga”, Kenneth Yalowitz, cựu đại sứ Mỹ tại Belarus nói với The Hill.

Đầu tuần trước, ông Biden ra tuyên bố gọi vụ ép máy bay chuyển hướng và hạ cánh là hành động “thách thức trực tiếp các chuẩn mực quốc tế”. Tổng thống Mỹ lên án vụ bắt giữ nhà báo Roman Protasevich và tuyên bố Washington phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) để áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Sau cuộc gặp giữa hai ông Putin và Lukashenko tại Sochi ngày 29/5, Nga cho biết sẽ cung cấp khoản vay 500 triệu USD cho Belarus vào tháng tới. Năm ngoái, Nga hứa cho Belarus vay 1,5 tỷ USD để giúp nước láng giềng ổn định tình hình trong nước. Minsk đã nhận được 500 triệu USD đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, Reuters đưa tin.

Nga đến nay vẫn sát cánh với Belarus, bất chấp quan hệ phức tạp giữa hai ông Putin và Lukashenko. Nhà lãnh đạo Belarus liên hệ chặt chẽ với Mátxcơva để cưỡng lại sức ép quốc tế sau hàng loạt vấn đề. Ông Lukashenko nhiều lần mạnh tay trấn áp biểu tình, bắt giữ và bị cáo buộc đã tra tấn những người phản đối chiến thắng của ông trước đối thủ Sviatlana Tsikhanouskaya, người vẫn đang phải tị nạn ở Lithuania. Những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU không có tác dụng khiến nhà lãnh đạo Belarus đảo ngược cách làm của mình.

“Ông Lukashenko đã từ bỏ việc cải thiện quan hệ với phương Tây và chỉ tập trung vào Nga”, cựu đại sứ Yalowitz đánh giá, đồng thời cho rằng quan hệ giữa Mátxcơva và Minsk rất phức tạp. “Ông Lukashenko mắc nợ Nga và hiện chỉ có Nga là đồng minh, nhưng ông ấy vẫn muốn là một nhà lãnh đạo độc lập và không muốn hoàn toàn theo Nga”, ông Yalowitz nói.

Joerg Forbrig, Giám đốc khu vực Trung và Đông Âu của Quỹ Marshall Đức, nghi ngờ về vai trò của Nga trong vụ ép chiếc máy bay Ryanair hạ cánh. Ông cho rằng chiến dịch này nằm ngoài khả năng của các cơ quan tình báo Belarus. “Có một dấu hỏi về thượng đỉnh Biden - Putin, rằng liệu nó có thực sự nên diễn ra trong bối cảnh như thế này không, vì Nga là nhà tài trợ duy nhất của chế độ Lukashenko”, ông Forbrig nói.

Tập trung vào Trung Quốc

Sau khi người tiền nhiệm Donald Trump nhiều lần biểu hiện cảm tình với Mátxcơva, ông Biden thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với ông Putin và Nga. Vì thế, giới quan sát cho rằng thông điệp lớn nhất của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là mong muốn hạ nhiệt quan hệ song phương. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Washington đang coi Trung Quốc là “mối đe doạ” lớn hơn và muốn tập trung nguồn lực để đối phó với Bắc Kinh.

Trong bài viết gần đây, báo China Daily của Trung Quốc cho rằng đúng là “mơ tưởng” khi nghĩ rằng cuộc gặp sẽ là giấc mơ thành hiện thực đối với chính quyền Mỹ, vì không có phân tích nào cho thấy sự kiện này có thể phủ nhận quan hệ đang tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, người vừa có chuyến thăm Nga để dự tham vấn an ninh chiến lược song phương, Tổng thống Putin khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và ổn định chiến lược toàn cầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Còn ông Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh coi trọng quan hệ với Mátxcơva, gọi đây là “ví dụ cho quan hệ quốc tế kiểu mới”. Bắc Kinh nói rằng quan hệ hai nước đã “cứng lại thành vàng”.

MỚI - NÓNG