Khu kinh tế Vân Phong đổi mới để cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa (KKT Vân Phong) được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006, với tổng diện tích khoảng 150.000 ha (trong đó 70.000 ha đất và 80.000 ha mặt nước), thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, KKT Vân Phong đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Riêng giai đoạn 2016-2020, đóng góp thu ngân sách trên địa bàn KKT đạt khoảng 20.950 tỷ đồng chiếm khoảng 26,6% của tỉnh, giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,9% của tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Khu kinh tế Vân Phong đổi mới để cất cánh ảnh 1

Một góc Khu kinh tế Vân Phong

Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 154 dự án đầu tư (124 dự án trong nước và 30 dự án có vốn ĐTNN) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,5 tỷ USD (đạt 61%); trong đó khoảng 100 dự án đã đi vào hoạt động.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh nhằm tạo đột phá, tạo động lực mới cho việc phát triển khu vực Vân Phong, cụ thể là:

- Tập trung hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng tại Nghị Quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị Quyết số 09) và Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 24/02/2022 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động Chính phủ thực hiện Nghị Quyết số 09; đồng thời tổ chức triển khai lập quy hoạch các khu chức năng để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào KKT Vân Phong trong giai đoạn mới.

- Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại KKT Vân Phong, trong đó nhiều ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như: Lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp,… Do đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp theo danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư quy định tại Nghị Quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của KKT. Theo đó, khu vực Bắc Vân Phong tập trung kêu gọi các dự án về lĩnh vực dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp; đô thị cao cấp, cảng biển, sân bay,...; Khu vực Nam Vân Phong tập trung kêu gọi cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng và logistic; tổ hợp công nghiệp, năng lượng,...

- Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết 55 vào thực tiễn (đặc biệt là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược) nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn để tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong.

- Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, giải quyết nhanh, kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng...để dự án triển khai nhanh nhất, đặc biệt các dự án quy mô lớn mang tính động lực cho KKT.

- Tập trung nguồn lực đảm bảo triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao sớm nhất quỹ đất sạch, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án động lực cho KKT.

- Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư tại KKT Vân Phong, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao; xây dựng đề án chuyển đổi việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng phù hợp với định hướng phát triển KKT trong giai đoạn tới.

- Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn KKT Vân Phong làm nền tảng dẫn dắt, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách.

Với định hướng đúng đắn trên, hy vọng tương lai không xa, KKT Vân Phong sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác để phát triển trở thành một trong những Trung tâm Kinh tế biển lớn, hiện đại của khu vực và cả nước.

MỚI - NÓNG