Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Khu KT Lao Bảo cho biết, sau hơn 15 năm (tính đến mốc 2015) hình thành và phát triển, tại khu vực đã thu hút trên 45.000 người dân đến làm ăn, sinh sống (so với 29.000 người khi mới thành lập năm 1998), 425 doanh nghiệp (so với 12 DN); 3000 hộ kinh doanh cá thể (so với 1.000 hộ kinh doanh cá thể). Đặc biệt, từ một địa bàn “trắng” về dự án đầu tư, đến nay đã có 63 dự án trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 4.000 tỷ đồng trên quy mô diện tích đất thuê sử dụng là 270 ha.
Ngoài ra, còn có 380 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.200 tỷ đồng. Các dự án đầu tư và phương án kinh doanh dịch vụ đã giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động trực tiếp, chủ yếu là cư dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và gần 500 lao động gián tiếp khác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý của các doanh nghiệp Khu KT Lao Bảo ở trong và ngoài nước. Đời sống của cư dân 2 bên biên giới Việt- Lào ngày càng thay da đổi thịt vì có những chính sách đặc biệt của Chính phủ quy định cụ thể trong giấy phép đầu tư những ngày mới hình thành khu kinh tế này. “Nhưng Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016 đã gây khó cho DN”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Minh cho hay, từ năm 2015 tới tháng 8/2016, đã có một số dự án và nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế, những DN đang hoạt động hiện cũng gặp không ít khó khăn, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. “Từ ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chính thức có hiệu lực, quy định các khu kinh tế cửa khẩu phải có hàng rào cứng. Mặc dù, Khu KT Lao Bảo vẫn đảm bảo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng do điều kiện và địa hình đặc thù, Khu KT Lao Bảo không thể xây dựng được hàng rào cứng theo quy định. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải xóa bỏ Khu KT Lao Bảo và sự giải thể của hàng trăm DN tại đây; phải đóng cửa các dự án đầu tư đang hoạt động và sự thất nghiệp của hàng nghìn người lao động”, ông Minh thẳng thắn.
Ông Trương Nhật Linh - Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu ABO Việt Nam cho biết, cộng đồng DN trong Khu KT Lao Bảo đang lâm vào tình cảnh khó khăn bởi thay đổi luật và DN mất đi những ưu đãi hiện có. “Nhà nước cần tạo điều kiện duy trì cho các dự án đã đầu tư được hưởng những ưu đãi trong giấy chứng nhận đầu tư như trước. Điều đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư hiện có vốn đã đóng góp nhiều cho việc xây dựng Khu KT Lao Bảo trong thời gian vừa qua”, ông Linh đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Bình-Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị, cho biết Quyết định 72 đã khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại, chưa vội đưa ra quyết định đầu tư vào Khu KT Lao Bảo. Bên cạnh đó, gần 5.000 lao động hiện đang trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp văn phòng của doanh nghiệp Khu KT-TM Lao Bảo, gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị... có nguy cơ giảm biên chế hoặc mất việc làm.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệpTheo Chủ tịch thị trấn Lao Bảo Nguyễn Hữu Dũng, trong Khu KT Lao Bảo thì Trung tâm thương mại Lao Bảo là nơi tập trung các hoạt động thương mại nhộn nhịp nhất. Tuy nhiên, hơn một năm nay, số lượng khách đến tham quan, mua sắm tại đây đã giảm đáng kể. Cả trung tâm có hơn 400 quầy hàng song gần 1/3 trong số đó đã đóng cửa.
Có mặt tại khu vực bán hàng thuộc tầng 2 của Trung tâm thương mại Lao Bảo, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều quầy đã khóa kín cửa, hàng hóa được dọn đi hết. Các quầy mới được dựng lên thì... không có ai thuê. Chị Trương Thị Gái, một tiểu thương ở đây cho hay, suốt tuần vừa rồi, chị chỉ bán được hàng cho đôi, ba đoàn khách du lịch. Tiền lãi không đủ để chi trả tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác nên chị rất lo ngại. Nhiều thương nhân thấy bán buôn ế ẩm nên chấp nhận đóng quầy để chuyển sang hướng làm ăn khác. Hầu hết họ sang Lào buôn bán hoặc kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính khẳng định hoạt động thương mại ở Khu KT Lao Bảo đã mang lại những thành công cơ bản về mô hình thương mại khu vực biên giới. Tuy nhiên tỉnh đang đề xuất lên Trung ương tháo gỡ cơ chế, chính sách cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. “Lao Bảo là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên đầu tư nhưng hiện vẫn còn chồng chéo một số cơ chế nên phía tỉnh đề xuất về năng lực kiểm tra, giám sát là cần thiết, vậy nhưng trong điều kiện thực tế là chưa đáp ứng. Đề xuất nên có thêm cơ chế cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại ở khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho tư thương hai bên biên giới đẩy mạnh hoạt động thương mại; đề xuất nâng mức hàng hóa mua của cư dân tại khu thương mại biên giới trong tương lai sẽ được xem xét nhưng trước mắt là chưa cần thiết vì phải khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam...”, ông Chính nói.
Để Khu KT Lao Bảo tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, cũng như lượng hàng hóa, người và phương tiện qua lại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo ngày càng tăng, tỉnh Quảng Trị đã và đang tìm các giải pháp mạnh, nhất là chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành nhiều chính sách thuế suất ưu đãi. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Quyết định 72 và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Số liệu Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho thấy, hiện Khu KT Lao Bảo đã được đầu tư trên 2.541 tỷ đồng để xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng. Cùng với một số chính sách ưu đãi hiện có, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 87 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 5.698 tỷ đồng; trong đó, có 70 dự án đã đi vào hoạt động, có tổng vốn đầu tư 3.988 tỷ đồng và 17 dự án đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, còn có 388 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có tổng số vốn đăng ký 1.800 tỷ đồng…