Chưa xứng tầm
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (KKT Bờ Y) tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) với diện tích 400 ha, nằm trên đất các xã: Sa Loong, Bờ Y, Đắk Sú, Đắk Nông, Đắk Dục và thị trấn Plei Kần. Đến năm 2007, Khu kinh tế được Thủ tướng điều chỉnh lại và mở rộng quy mô lên hơn 70.000ha với mục tiêu xây dựng thành khu kinh tế động lực, trung tâm tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có vị trí cực kỳ quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Theo kế hoạch đến năm 2025, KKT Bờ Y sẽ thành đô thị loại II vùng biên giới, là đầu mối giao lưu kinh tế, điểm trung chuyển hàng hóa thương mại quốc tế giữa các nước Myanma đến Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia qua khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung Việt Nam.
Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho giai đoạn 2006-2015 là 81.516 tỷ đồng, đến 2025 là hơn 160.000 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD). Về hiệu quả kinh tế xã hội, đây sẽ là “đầu tàu” kéo tỉnh Kon Tum – một tỉnh cực Bắc của Tây Nguyên còn nhiều khó khăn đi lên, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ở vùng biên giới.
Nhưng sau hơn 15 năm, mục tiêu về KKT Bờ Y vẫn còn nằm trên giấy. Ở vùng lõi KKT, chỉ một số hạng mục về hạ tầng như các tuyến đường giao thông NT18, N5 – nối trung tâm với đường HCM; hệ thống cấp nước sạch, trụ sở BQL KKT Bờ Y, khu báo thuế… kịp về đích. Trong khi nhiều hạng mục quan trọng khác ở các khu công nghiệp, thương mại vẫn dở dang. Nhiều vùng quy hoạch vẫn im ỉm mặc cho cây rừng, cỏ dại chen nhau. Hằng ngày, khách tham quan, mua sắm đến cửa khẩu Bờ Y rất thưa thớt.
Chừng ấy năm, KKT Bờ Y chỉ thu hút được 24 dự án đầu tư với quy mô vốn nhỏ, về chế biến mủ cao su, nông lâm sản, khai thác đá. Ngoài ra, còn có 9 dự án khác đang triển khai xây dựng với số vốn ít ỏi 75,5 tỷ đồng. Thực tế đìu hiu không xứng tầm với kỳ vọng về khu kinh tế động lực, nơi hội tụ “Ba quốc gia – một điểm đến”.
Nhà đầu tư tự bơi!
Ông Phùng Chí Đính – Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum) cho biết: Trước đây, giai đoạn 2006-2010 có hàng trăm doanh nghiệp (DN) đến đăng ký đầu tư nhưng trong đó, rất nhiều doanh nghiệp “đăng ký ảo”. Có 42 dự án được cấp chứng nhận nhưng không triển khai, bị tỉnh thu hồi, một số khác tự rút lui. Có một doanh nghiệp từ TP HCM xin đầu tư Khu giải trí tổng hợp với số vốn trên 1.000 tỷ đồng, đã làm lễ động thổ rình rang nhưng sau đó “im hơi lặng tiếng ra đi”.
Lý giải cho việc nhiều DN không mặn mà với KKT Bờ Y, ông Đính nói: Công tác thu hút vốn đầu tư vào Khu kinh tế gặp nhiều khó khăn vì khâu đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu thương mại chưa đồng bộ, chưa có quỹ đất sạch. Loại dự án FDI lại càng không có. Ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu cũng tác động bất lợi đến các KKT và tâm lý nhà đầu tư.
Ông Vũ Mạnh Hải – Phó BQL KKT tỉnh Kon Tum cho rằng: So với kế hoạch, việc đầu tư, xây dựng KKT Bờ Y chậm tiến độ rất nhiều lần. Mục tiêu hướng đến quá lớn trong khi kinh phí đầu tư nhỏ giọt, trung bình mỗi năm ngân sách nhà nước rót vào đây chỉ khoảng 40-50 tỷ đồng. Do đó, việc đến năm 2025 KKT Bờ Y sẽ lên đô thị loại II vùng biên giới là điều không tưởng.