Nơi Bác sống và làm việc 15 năm cuối đời
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại một di sản văn hóa vô giá, đó là Khu di tích (KDT) Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Bác Hồ bên ngôi Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: T.L |
Cách đây bảy mươi năm về trước, năm 1954, sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Hồ Chủ tịch về Thủ đô Hà Nội. Khi đó, Bác được tổ chức bố trí ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch (trước đó là Phủ Toàn quyền Đông Dương), một công thự lớn ở khu vực Ba Đình. Nhưng với đức tính giản dị, muốn sống gần gũi với thiên nhiên, Bác đã chọn sống tại một ngôi nhà nhỏ ở một góc trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch. Sau đó, nhà Sàn của Bác được xây dựng tại đây. Trong 15 năm sống và làm việc tại khu vực nhà Sàn (1954-1969), Người đã cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào hòa bình, hữu nghị và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg, xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969, để tỏ lòng biết ơn vô hạn với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, ngày 25/11/1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết (số 206/NQ-TW), với nội dung: “Bảo quản tốt nhất khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Theo đó, Văn phòng Chủ tịch nước (được gọi bằng mật danh từ hồi ở chiến khu Việt Bắc là “Văn phòng 41” hay “CQ41”) gồm những cán bộ từng tận tụy phục vụ Bác Hồ đã tình nguyện ở lại KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bảo quản di sản này. Nhờ vậy, di sản của Người được bảo quản cẩn thận, giữ được tính nguyên trạng của di tích cũng như cảnh quan môi trường xung quanh.
Tại Hội thảo, Thạc sĩ Lê Thị Phượng, Giám đốc KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, quần thể KDT gồm 13 di tích (Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà Sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, nhà 67, nhà bếp A, nhà bếp B, nhà Bác ký sắc lệnh, hầm H66, hầm D1...). Bên cạnh đó còn có 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích; các di tích ngoài trời như ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, đường xoài, đường mòn Hồ Chí Minh, cầu gỗ qua ao; 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc trực tiếp chăm sóc.
TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn, chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ tự nhiên và con người, đồng thời liên tục đón khách tham quan trong nước, quốc tế; tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và cuộc sống đời thường của Bác.
Người dân tham quan Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: KIẾN NGHĨA |
Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt
Một số đại biểu chia sẻ, KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được hình thành ngay tại nơi Người sống và làm việc nên có những nét đặc thù riêng biệt. Công tác bảo tồn di tích ở đây được thực hiện trong điều kiện vừa là kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn. Nằm trong không gian cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch luôn thu hút một lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế. “55 năm qua, KDT của Người tại Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm. Trong đó, có nhiều đoàn nguyên thủ, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng”, Giám đốc Lê Thị Phượng cho biết.
Với ý nghĩa đặc biệt của KDT, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một địa chỉ hết sức thiêng liêng. Đây là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ, hiểu biết về công lao to lớn của Bác; và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng, suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”.
Khi đến thăm KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ: “Vô cùng thú vị khi được biết về cuộc sống của người thầy vĩ đại của Việt Nam, của một vĩ nhân mà tên tuổi đã được lưu danh trong lịch sử nhân loại. Tôi kính chúc nhân dân Việt Nam có một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh”…
Tính từ năm 2006, KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức, phối hợp tổ chức được 75 cuộc trưng bày, triển lãm; trong đó có 15 cuộc triển lãm tại Nga, Pháp, Chi Lê, Srilanca, Ma Rốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ… Bên cạnh đó, KDT còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ cho sinh viên các trường đại học tại Hà Nội; tổ chức hàng ngàn buổi lễ báo công, kết nạp đảng viên mới, nói chuyện chuyên đề, trại sáng tác và triển lãm tranh nghệ thuật về Bác Hồ; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các nghi thức lễ hội truyền thống cho đồng bào các dân tộc và kiều bào ta ở nước ngoài vào những dịp tết cổ truyền dân tộc.
Hiện nay trang thông tin điện tử của KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được nâng cấp với nội dung phong phú, giao diện hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về KDT đối với nhiều người xem…