TS Bùi Ðức Thụ. Ảnh: Như Ý |
Theo ông, cần can thiệp, điều tiết như thế nào và bằng phương pháp, công cụ gì để đạt hiệu quả?
Trong điều kiện hiện nay, trước tiên phải duy trì cân đối cung - cầu xăng dầu. Nếu để mất cân đối cung - cầu, giá xăng dầu lại nhảy vọt lên. Trong bối cảnh chúng ta chưa chủ động được sản xuất trong nước, nên cần nhập khẩu. Trách nhiệm của Bộ Công Thương phải quản lý, điều tiết xuất nhập khẩu trên cơ sở dự báo được nhu cầu trong nước để có kế hoạch kịp thời, linh hoạt, chủ động trong nhập khẩu xăng dầu.
Kế đến, cần điều hoà cung - cầu xăng dầu ở từng địa bàn, từng tỉnh, thành, tránh tình trạng chỗ này dư cung, chỗ kia dư cầu, dẫn đến giá cả biến động ở từng khu vực. Việc quản lý, lưu thông xăng dầu trong nước phải thực sự thông thoáng, kịp thời, không bị ngăn cản bởi các quyết định hành chính.
Thứ nữa, để duy trì ổn định giá cả, cần tăng cường dự trữ đối với xăng dầu. Dự trữ nhà nước về xăng dầu còn rất ít, còn với dự trữ lưu thông, các đơn vị đầu mối phải thực hiện. Quy định như vậy nhưng thực thi thế nào lại là vấn đề lớn, bởi doanh nghiệp có mỗi kho chung, vừa nhập bán, vừa để dự trữ lưu thông, không phân biệt được nên khó quản lý. Do vậy, cần sớm hoàn thiện cơ chế dự trữ xăng dầu nói chung và có cơ chế quản lý, kiểm soát được việc này, làm giảm biên độ biến động lớn đối với giá xăng dầu.
Đặc biệt, khi giá liên tục leo cao như hiện nay, phải xem xét chi phí đầu vào để có thể hạ được giá xăng dầu.
Cần tiếp tục giảm các loại thuế, phí nào, giảm bao nhiêu thì phù hợp nhất, nhanh nhất, thưa ông?
Vừa qua, chúng ta đã giảm được 2% VAT và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong bối cảnh giá tiếp tục tăng, theo tôi, cần tiếp tục xem xét, giảm các loại thuế gián thu để giảm giá xăng dầu.
Ngoài thuế thông thường, xăng dầu còn là hàng hoá mà chúng ta chịu thêm hai loại thuế tương đối đặc biệt là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường. Về nguyên tắc, thuế TTĐB được đánh vào các loại hàng hoá không khuyến khích tiêu dùng (như rượu, bia, thuốc lá); các loại hàng hoá cao cấp (ô tô) và các loại hàng hoá gây tác hại đối với môi trường (như xăng dầu).
Với hai loại hàng hoá đầu tiên, tôi đồng ý, không phải bàn, nhưng riêng xăng dầu cũng đánh thuế TTĐB thì cần phải xem xét. Bởi thuế bảo vệ môi trường cũng đưa xăng dầu vào đối tượng điều chỉnh.
Như vậy, trong cùng một mục tiêu đánh thuế để bảo vệ môi trường nhưng xăng dầu lại bị hai loại thuế như nhau, tức vừa chịu thuế TTĐB, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường. Cùng một hàng hoá, cùng một mục tiêu, lại đánh hai loại thuế, như vậy có trùng lắp không? Ở đây có sự trùng lắp, không nên dàn trải quá nhiều công cụ để cùng thực hiện một mục tiêu đối với một hàng hoá cụ thể.
Trong bối cảnh giá xăng trên 30 nghìn đồng/lít như hiện nay, trước mắt nên đề xuất các loại thuế có thể giảm nhanh được, trong đó có thể giảm ngay thuế nhập khẩu xăng dầu, đang ở mức 8 - 10% (một số nước đã về 0%). Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên có thể làm ngay được…
Cũng có ý kiến lo ngại, nếu giảm thuế đánh lên xăng dầu sẽ dẫn đến hụt thu ngân sách, lại xuất hiện buôn lậu, ông nghĩ sao?
Không nên lo lắng nhiều về việc ảnh hưởng đến nguồn thu hay cân đối ngân sách Nhà nước. Với tình hình như hiện nay, việc giảm thuế, đưa giá xăng dầu xuống dưới 30 nghìn đồng/lít không làm hụt thu ngân sách nhiều, cũng không làm gia tăng bội chi lớn đâu. Theo tôi, ngân sách vẫn có thể đảm bảo dự toán thu, nên cũng không cần phải quá lo lắng về việc này.
Rồi cũng có ý kiến lo ngại, giảm giá xăng dầu dẫn tới buôn lậu tăng. Xin thưa, như Malaysia giá chỉ mười mấy nghìn đồng mỗi lít, họ vẫn quản lý được, tại sao mình lại không? Chúng ta cũng chỉ cần điều chỉnh xuống mức 25 - 27 nghìn đồng/lít so với mức giá hiện nay cũng là tốt lắm rồi. Còn quản lý ra sao để tránh buôn lậu, vấn đề thuộc trách nhiệm của các ngành, nhất là quản lý thị trường, cơ quan thanh tra kiểm tra phải làm.
Không phải vì sợ trách nhiệm mà lại bàn lùi, để thả nổi giá, gây biến động tự phát đối với nền kinh tế.
Cảm ơn ông!