Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: “Hoàn toàn có thể xử lý biệt thự bỏ hoang, vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn xử lý hay không”.
Có căn cứ để xử lý
Trên 30% biệt thự bỏ hoang, bỏ không Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, kiểm tra 16 dự án của 11 chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội thuộc các phân khúc nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà chung cư, cho thấy số lượng biệt thự chưa đưa vào sử dụng chiếm trên 30%. Với nhà liền kế, tỷ lệ lấp đầy là hơn 80%, còn lại trên 10% chưa hoàn thiện. Hầu hết dự án đã vượt quá thời hạn theo quyết định phê duyệt dự án, thậm chí có dự án vượt quá 5 - 7 năm. |
Ông Phạm Sỹ Liêm nói: Biệt thự bỏ hoang không thiếu cơ sở pháp lý để xử lý. Đầu tiên, xin hỏi họ đã nộp thuế sử dụng đất chưa? Anh đã sở hữu rồi thì anh phải đi đăng ký và nộp thuế cho nhà nước, nếu chưa nộp thuế thì xử phạt hành vi chậm nộp thuế, truy thu thuế.
Nếu kiểm tra, họ chưa đăng ký thì Nhà nước có thể xử phạt hành chính về việc vi phạm thủ tục đăng ký sử dụng đất. Đấy là việc thu thuế đất, cái này hoàn toàn có cơ sở pháp lý nhưng lâu nay mình không làm.
Thứ hai là Luật đất đai có những quy định (như điều 107): Chủ sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích, phải đăng ký quyền sử dụng đất. Trong đó có một điều khoản rất quan trọng để có thể xử lý là tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng có liên quan và môi trường sống xung quanh.
Ở đây, anh để hoang là vi phạm môi trường. Ví dụ, người ta đổ rác vào, tệ nạn xã hội kéo đến... Chưa kể, theo Luật Nhà ở cũng có quy định chủ sở hữu nhà có nghĩa vụ không làm ảnh hưởng hay gây thiệt hại đến quyền và lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng và quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, khi sử dụng nhà.
Ở đây, chủ những căn biệt thự bỏ hoang này đã làm xấu bộ mặt đô thị, nơi phát sinh tệ nạn xã hội... là đã vi phạm quy định của Luật Nhà ở rồi.
Tóm lại, cả về phương diện đất, cả về phương diện nhà đều có chế tài xử lý rồi. Vấn đề là có muốn xử hay không thôi.
Nhà nước mới chỉ đánh thuế sử dụng đất, còn nhà thì chưa, điều này khiến nhiều người bỏ hoang nhà?
Đúng là luật của ta hiện nay mới chỉ là đánh thuế đất chứ không đánh thuế nhà. Bởi vậy, theo tôi cần phải bổ sung quy định đánh thuế sử dụng nhà.
ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. |
Đánh thuế cao
Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ đánh thuế nhà bỏ hoang, từ 2 đến 3% trên tổng giá trị nhà bỏ hoang. Theo ông, việc đánh thuế này có phù hợp?
Đánh thuế nhà bỏ hoang thì phải định nghĩa nhà bỏ hoang hay nhà bỏ không? Chưa hoàn thiện mà bỏ hoang cũng có nhiều nguyên nhân lắm. Chúng ta phải phân biệt, nhà bỏ hoang có chủ tư nhân chưa? Bởi trên thực tế, có thể chủ đầu tư đã xây thô xong nhưng chưa bán được, thì sao? Cho nên, phải phân biệt được cái để không khi thị trường đóng băng. Hiện ở ta đang lẫn lộn giữa để không và đầu cơ. Kinh doanh trên thị trường có lúc bán được, lúc không. Nhưng dù bán không được vẫn phải trình báo.
Trước khi đánh thuế nhà bỏ hoang, nhà nước phải có quy định nếu chủ đầu tư làm ra trong vòng 2- 3 năm mà chưa bán được thì phải báo cáo với nhà nước để xử lý. Ví như nhà nước có thể mua lại giá vốn. Khi đã có quy định đó rồi thì có thể thực hiện các biện pháp mạnh xử lý biệt thự bỏ hoang.
Có ý kiến cho rằng, nhà nước nên có quy định về định mức nhà ở và đất ở cho người dân. Khi người dân sở hữu ngoài định mức nhà nước quy định thì đánh thuế cao, như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề nhà ở bỏ hoang, hạn chế đầu cơ nhà đất?
Đầu cơ là mua đi, gom lại tạo ra mất cân đối giả tạo trong cung cầu, đẩy giá lên cao. Lúc giá lên cao thì anh bán ra để kiếm siêu lợi nhuận. Còn anh có nhà rồi mua nhà của người khác, sau đó bán lại để ăn lãi, thì Luật Kinh doanh bất động sản cho phép, trường hợp này nói người ta đầu cơ là không đúng. Mục đích của đầu cơ là kiếm siêu lợi nhuận. Để triệt phá đầu cơ thì ta phải đánh thuế lúc người ta mua - bán thật nặng, để triệt tiêu siêu lợi nhuận.
“Hiện nay những chính sách về đất đai đã và đang tạo một tâm lý cho nhiều người ngộ nhận rằng, không đầu tư gì có lãi bằng bất động sản. Nhà nước cần hoàn thiện chính sách quản lý bất động sản, ngăn chặn nạn đầu cơ bằng công cụ chính sách, pháp luật như đánh thuế thật nặng với những người đầu cơ đất đai. Cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay xử lý các chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch phê duyệt. Có như vậy mới có thể xóa đi hình ảnh những căn nhà triệu đô bỏ hoang ở các khu đô thị” - Ông Đào Trung Chính - Phó Tổng Cục trưởng Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Ngọc Mai