ĐBQH Nguyễn Văn Thắng:

Không thể dùng mệnh lệnh ép ngân hàng cho vay

ĐBQH Nguyễn Văn Thắng tranh luận. Ảnh Như Ý
ĐBQH Nguyễn Văn Thắng tranh luận. Ảnh Như Ý
TPO - “Chúng ta không thể nói rằng ngày hôm nay, anh huy động thì phải cho vay, không bao giờ có chuyện đó. Chúng ta cũng không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng bảo là phải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, hỗ trợ”. 

Sáng 22/11, thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có ĐBQH cho rằng, dự thảo luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện, nội dung hỗ trợ bảo đảm có các chính sách đi kèm để thực hiện nhưng với điều kiện ngân sách như hiện nay và với các quy định để thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách thể hiện trong dự thảo luật thì việc bảo đảm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khả thi.

Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) ấn nút tranh luận về vấn đề này. “Tôi có tư duy khác là không phải nhà nước đưa tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất kinh doanh mà nhà nước tạo cơ sở và cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chứ không phải đưa tiền vào.

Có những đại biểu nói phải bù lãi suất cho ngân hàng, theo tôi, ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn so với lãi suất bình thường thì ngân sách phải bù đắp chỗ đó. 

Thứ hai chúng ta không bơm tiên mà các ngân hàng có nghĩa vụ. Nghĩa vụ thứ nhất là kinh doanh đặc thù chỉ có mấy chục ngân hàng, nhận tiền của dân thì phải có trách nhiệm với những thành phần người ta đang khó khăn. Thứ hai sau đó có thể 1 năm, 2 năm ngân sách nhà nước mới trả lại nếu phải bù đắp”, ông Thân nói.

Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) – Chủ tịch Ngân hàng Viettinbank ấn nút tranh luận với hai đại biểu.

Về vấn đề tín dụng, ĐB Thắng phản biện lại quan điểm của ĐB Thân, rằng thực tế các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 

Chúng ta không thể nói rằng ngày hôm nay, anh huy động thì phải cho vay, không bao giờ có chuyện đó. Chúng ta cũng không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng bảo là phải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, hỗ trợ.

Liên quan đến tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thắng cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng tiêu chí doanh thu là tiêu chí chủ yếu. Sau tiêu chí doanh thu của các doanh nghiệp mới đến tiêu chí lao động. Cá biệt có một số nước, sau tiêu chí lao động người ta mới đến tiêu chí về vốn.

Vì vậy ông này đề nghị Ban soạn thảo cần xác định tiêu chí phải là tiêu chí doanh thu và sau doanh thu mới là vấn đề lao động. Đối với nguồn vốn cũng thế, bởi tổng nguồn vốn, doanh thu không thể một ngày, một giờ có được doanh thu. Mà phải có quá trình hoạt động, còn nguồn vốn có thể hôm nay không có, ngày mai sẵn sàng có đầy đủ nguồn vốn theo quy định và lao động cũng như vậy.

"Do vậy chúng ta phải hết sức cẩn trọng để làm sao chương trình chúng ta xây dựng hỗ trợ phải đúng đối tượng và phải vừa đảm bảo hiệu quả nhưng không bị lợi dụng”, ông Thắng nói.

MỚI - NÓNG